Đang hướng tới phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp trong phiên giao dịch thứ Năm, phố Wall bất ngờ đảo chiều trong nửa cuối phiên khi có thông tin nghị sĩ Jo Cox của Anh, người ủng hộ việc Anh ở lại với EU bị bắn chết trên đường phố ở phía Bắc nước này khi vận động để Anh ở lại với EU. Sau sự cố này, các cuộc vận động của cả 2 phe “đi” và “ở” đã phải dừng lại để tưởng nhở và thể hiện sự tôn trọng với nghị sĩ Jo Cox. Điều này có thể làm thay đổi cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào tuần tới (23/6).
Trước đó, những cuộc thăm dò cho thấy, phía ủng hộ Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit đang dẫn điểm, làm giới đầu tư toàn cầu lo lắng cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể xảy ra và đồng loạt bán tháo trên thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 16/6, chỉ số Dow Jones tăng 92,93 điểm (+0,53%), lên 17.733,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,49 điểm (+0,31%), lên 2.077,99 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 9,98 điểm (+0,21%), lên 4.844,92 điểm.
Sau phiên hồi phục trước đó nhờ dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp đang diễn ra, chứng khoán châu Âu đã trở lại với nỗi lo thường trực là Brexit. Chính nỗ lo này đã khiến chứng khoán châu Âu đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 4 tháng.
Kết thúc phiên 16/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,32 điểm (-0,27%), xuống 5.950,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 56,24 điểm (-0,59%), xuống 9.550,47 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 18,57 điểm (-0,45%), xuống 4.153,01 điểm.
Trên thị trường châu Á, chứng khoán Nhật Bản lao dốc hơn 3% trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 4 tháng do tâm lý lo sợ Brexit và đặc biệt là do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên lãi suất, bất chấp đồng yên tăng mạnh. Quyết định của BOJ đã khiến đồng yên leo cao thêm, lên mức cao nhất 21 tuần so với đồng USD và đẩy chứng khoán nước này lao dốc.
Tương tự, cũng nỗi lo Brexit, chứng khoán Hồng Kông cũng mất hơn 2% trong phiên thứ Năm và chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm trở lại do lo ngại về sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau phiên tăng tốt trước đó.
Kết thúc phiên 16/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 485,44 điểm (-3,05%), xuống 15.434,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 429,10 điểm (-2,10%), xuống 20.038,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 14,39 điểm (-0,50%), xuống 2.872,82 điểm.
Giá vàng cũng có phiên giao dịch đầy biến động trong phiên thứ Năm. Trong phiên thứ Tư, ngay sau khi Fed quyết định không tăng lãi suất, cộng với lo lắng về Brexit, giá vàng đã tăng vọt cuối phiên sau khi lình xình suốt phiên châu Á và châu Âu. Trong phiên thứ Năm, giá kim loại quý tiếp tục thẳng tiến vượt qua mốc 1.300 USD, rồi 1.310 USD và chạm mốc 1.315 USD/ounce. Tuy nhiên, về nửa cuối phiên Mỹ, cùng với việc phố Wall phục hồi, giá vàng đã qua đầu rơi thẳng đứng xuống dưới mốc 1.280 USD/ounce.
Kết thúc phiên 16/6, giá vàng giao ngay giảm 13,5 USD (-1,05%), xuống 1.278,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 10,1 USD (+0,78%), lên 1.298,4 USD/ounce.
Cũng với nỗi lo chung như chứng khoán là Brexit, giá dầu thô đã lao dốc mạnh trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 1 tháng. Như vậy, dầu thô đã có phiên giảm giá thứ 7 liên tiếp sau khi liên tiếp lập đỉnh cao của năm 2016 trong tuần trước.
Kết thúc phiên 16/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,80 USD (-3,90%), xuống 46,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,78 USD (-3,77%), xuống 47,19 USD/thùng.