Khả năng lên mức 2.500 USD/ounce
Giá vàng thế giới lên mức cao kỷ lục, giao dịch quanh ngưỡng 2.360 USD/ounce vào giữa tháng 5/2024. Nhu cầu vàng của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc tăng cao trong thời gian qua. Theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng miếng và tiền xu của Trung Quốc trong quý I/2024 đã tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Đợt tăng giá lịch sử từ tháng 3 - 4 năm nay là một ví dụ về nhu cầu bất thường từ Trung Quốc đẩy thị trường kim loại quý lên cao hơn.
Báo cáo của WGC cho biết, dòng tiền đang đổ vào vàng trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc chưa phục hồi và chính quyền Bắc Kinh tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát đối với tài sản tiền điện tử. Bên cạnh hoạt động mua vàng mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bổ sung lượng vàng nắm giữ trong 18 tháng liên tiếp tính đến tháng 4/2024.
Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác đang đẩy mạnh nắm giữ vàng trong dự trữ ngoại hối. Việc mua vàng của PBOC mang lại cho các nhà đầu tư cá nhân tại thị trường Trung Quốc cảm giác yên tâm.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam |
Hiện mức giá 2.400 USD/ounce không còn xa và theo dự báo của nhiều tổ chức uy tín, khả năng giá vàng quốc tế còn lên 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay, thậm chí có thể lên 2.600 USD/ounce. Giá vàng có xuống cũng chỉ là điều chỉnh nhẹ, chứ khó có thể giảm sâu.
Các nhà đầu tư và đầu cơ trên thế giới cũng đang đặt cược vào khả năng tăng kỷ lục của giá vàng. Hợp đồng tương lai vàng đang dao động trong khoảng từ 2.340 - 2.350 USD/ounce và dự báo còn triển vọng tăng tiếp.
Những lo ngại về chính sách tiền tệ của Fed đã tạo ra một số áp lực bán vàng trong ngắn hạn, song giá vàng vẫn được hỗ trợ trong dài hạn do nhu cầu dự trữ của các ngân hàng trung ương và tình trạng bất ổn địa chính trị đang diễn ra. Bên cạnh nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay có thể đẩy giá kim loại này lên cao hơn. Lãi suất thấp hơn thường có xu hướng làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vì kim loại quý không đem lại lãi suất.
Trong quý đầu năm nay, cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới rất cao, chạm mức 296 tấn, theo số liệu của WGC. Đây là ngưỡng mua cao chưa từng thấy trong quý đầu năm của các ngân hàng trung ương. WGC cho rằng, nhu cầu của các ngân hàng trung ương là yếu tố quan trọng đẩy giá vàng tăng, đặc biệt xét đến bối cảnh lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và USD đồng loạt tăng. Việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua mạnh vàng đưa vào các dự trữ chính thức cho thấy tầm quan trọng của vàng trong các danh mục dự trữ toàn cầu trong bối cảnh biến động thị trường gia tăng và rủi ro lên mạnh. Trong các tháng còn lại của năm 2024, nhu cầu gia tăng của ngân hàng trung ương các nước mới nổi cũng như các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục thúc đẩy giá vàng đi lên.
Thị trường coi vàng như công cụ đầu tư an toàn trong bối cảnh tình hình địa chính trị căng thẳng, triển vọng điều chỉnh lãi suất của Mỹ chưa rõ ràng.
Vàng trong nước quá đắt
Thông thường, giá vàng quốc tế tăng sẽ kéo giá vàng trong nước đi lên, nhưng vào thời điểm giữa tháng 5 quy đổi theo tỷ giá USD/VND tại Vietcombank, giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 20 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng SJC có thời điểm lên tới 92,5 triệu đồng/lượng, nhưng trước sức nóng của vàng, lực mua trên thị trường vẫn xuất hiện. Trong khi đó, nguồn cung vàng vẫn chưa được cải thiện, bởi người có vàng chưa chịu bán ra. Tình trạng cung - cầu vàng trong nước mất cân đối đẩy giá trong nước tăng nhanh.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức đấu giá vàng, nhằm tăng cung cho thị trường, giải quyết bài toán cung - cầu vàng miếng trên thị trường nội địa khi vẫn còn độc quyền nhãn hiệu SJC và chưa cho nhập khẩu vàng. Lượng vàng đưa ra đấu thầu ít (chỉ vài chục nghìn lượng), giá tham chiếu NHNN đưa ra cũng cao hơn giá vàng trên thị trường cùng thời điểm, nên kết quả trúng thầu thấp. Trong khi cầu thị trường cao hơn khoảng vài chục lần, việc cung không đáp ứng được cầu, từ đó tạo tâm lý kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, đẩy vàng lên cao. Không loại trừ việc một số người đã rút tiền tiết kiệm mua vàng, song để mua được lượng vàng miếng SJC lớn trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ. Bởi cung vàng SJC trên thị trường khan hiếm, ít người bán nên doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng không còn nhiều hàng để đáp ứng nhu cầu vàng miếng SJC của khách hàng.
Giá vàng lên cao có không ít tác hại và rủi ro với nền kinh tế. Nếu không cân đối được cung - cầu vàng trong nước sẽ khiến giá vàng tăng, nhưng nếu cho nhập khẩu vàng nhiều để cân đối cung - cầu thì sẽ phải huy động nguồn ngoại tệ lớn, điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Tỷ giá USD/VND tăng cũng gây áp lực lên giá vàng. Vì thế, NHNN phải tính toán để cân đối giữa bài toán tỷ giá và cho nhập khẩu một ít vàng.
Ngoài ra, giá cọc trong các đợt đấu thầu cần thay đổi, bởi hiện tại, giá tham chiếu còn cao. Nếu tiếp tục đấu thầu với giá cao, giá vàng ở thị trường sẽ còn tăng nữa. Hay nói cách khác, cần giải tỏa tâm lý kỳ vọng của người dân mua vàng hiện nay, điều này không tốt cho thị trường.
Có thể đấu thầu vàng hiện được cho là giải pháp tình thế, trấn an tâm lý của thị trường, nhưng nếu chúng ta không thực hiện hiệu quả có khi lại phản tác dụng. Mục đích của đấu thầu vàng là nhằm tăng cung và bình ổn giá. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, hiện nay, áp lực tỷ giá đang cao, giá vàng, lãi suất tăng nên NHNN phải cân đối và cân nhắc kỹ giữa bài toán tỷ giá, lãi suất và nhập khẩu vàng. Chủ trương của Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, trước áp lực tỷ giá tăng, lãi suất cũng đang tăng trở lại. Đây cũng là bài toán khó cho nhà điều hành khi phải cân đối giữa tỷ giá, lãi suất và giá vàng.
Sắp tới, NHNN nên cân nhắc đưa ra đấu thầu khối lượng vàng nhiều hơn, tất nhiên là phải cân nhắc bài toán kiểm soát tỷ giá và nhập vàng, tức chỉ nhập một lượng vàng vừa phải mà không tác động lên tỷ giá. Đồng thời, việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần sớm được xem xét, trong đó xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép một số doanh nghiệp có uy tín nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu vừa phải… Có như vậy, thị trường vàng mới ổn định, giá vàng SJC không bị tâm lý thị trường đẩy lên mức quá cao so với giá vàng quốc tế như hiện nay.
Hơn 10 năm nay, NHNN không cho nhập vàng nên các doanh nghiệp sản xuất nữ trang phải thu gom vàng nguyên liệu trên thị trường. Tuy nhiên, việc thu mua vàng nguyên liệu đòi hỏi có chứng từ rõ ràng, từ đó khiến cung vàng trên thị trường khan hiếm, kéo giá trong nước cách xa so với thế giới hàng chục triệu đồng/lượng. Trong khi đó, thực tế cho thấy, Việt Nam không cho nhập vàng chính ngạch, song khó có thể kiểm soát được vàng lậu vào thị trường, tạo áp lực lên tỷ giá.