Giá vàng còn có “sóng” tăng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam cho rằng, tình hình địa chính trị trên thế giới hiện nay và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất USD trong năm tới sẽ là cơ hội tạo “sóng” cho thị trường vàng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam.

Ông nhận định thế nào về diễn biến của giá vàng trong những tháng cuối năm 2023?

Tình hình địa chính trị trên thế giới tác động lên giá vàng. Cuộc xung đột ở Trung Đông là động lực tăng trưởng quan trọng đối với vàng, bởi vàng là tài sản được xem như nơi lưu trữ giá trị an toàn trước những bất ổn về kinh tế và chính trị. Xung đột Israel - Hamas làm tăng thêm mối lo ngại về kinh tế toàn cầu, nên dòng vốn có thể đổ xô vào nơi an toàn, trong đó có vàng.

Thêm vào đó, cầu vàng thế giới tăng do người dân mua sắm trong dịp cận lễ, Tết cuối năm... cũng sẽ tác động lên giá mặt hàng kim loại quý này, nhất là trong quý IV/2023. Thường giá vàng trong tháng 11 và đầu tháng 12 cao hơn các tháng khác trong năm.

Giá vàng có thể chạm ngưỡng bao nhiêu trong những tháng cuối năm nay, thưa ông?

Nếu tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, giá vàng có thể tái chạm đỉnh trong năm và không loại trừ chạm mốc 1.900 - 2.000 USD/ounce vào cuối năm. Thực tế lâu nay cho thấy, tình hình địa chính trị trên thế giới căng thẳng sẽ tác động tích cực lên giá mặt hàng vàng. Không chỉ căng thẳng địa chính trị từ xung đột Nga - Ukraine, Trung Đông, mà vàng còn chịu tác động từ một số yếu tố khác, như lộ trình tăng lãi suất của Fed, lạm phát...

Vàng biến động theo lãi suất của Fed, nhưng cũng còn phụ thuộc vào tình hình chính trị toàn cầu và lạm phát trên thế giới. Mặc dù lạm phát của Mỹ đã phần nào được kiểm soát, nhưng còn ở mức cao. Đồng thời, nếu lạm phát kiểm soát xuống mức thấp sẽ có nguy cơ xuất hiện tình trạng suy thoái. Khi đó, giới đầu tư, nhà đầu cơ và cả ngân hàng trung ương thế giới sẽ tìm đến “hầm trú ẩn an toàn” là vàng.

Khi giá vàng quốc tế tăng sẽ kéo theo giá vàng trong nước tăng, song một hiện tượng đáng chú ý là giá vàng SJC trong nước tăng quá cao, do khan hiếm nguồn cung.

Fed chưa chấm dứt kế hoạch tăng lãi suất và dự kiến thêm một đợt tăng lãi suất USD vào tháng 11/2023. Theo ông, nếu điều đó xảy ra liệu có kéo giá vàng đi xuống, khi sức khỏe của đồng bạc xanh mạnh lên?

Theo các dự báo, nhiều khả năng, Fed sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất USD vào tháng 11/2023, rồi dừng lộ trình tăng lãi suất, kết thúc chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, sau đó, không loại trừ khả năng lãi suất sẽ giảm trở lại khi lạm phát đi xuống. Điều này sẽ có lợi cho giá vàng, vì nếu Fed giảm lãi suất, thì sức khỏe USD sẽ giảm.

Giá vàng thế giới hiện chịu tác động của chính sách tiền tệ của Fed, thêm vào đó là tình hình địa chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp ở Trung Đông. Nếu tình hình địa chính trị còn phức tạp, thì khả năng giá vàng còn có “sóng” tăng cuối năm.

Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện ra sao, thưa ông?

Trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua khoảng 700 tấn, so với con số 1.200 tấn vàng mua vào trong cả năm 2022. Điều này cho thấy, các ngân hàng trung ương trên thế giới muốn phòng thủ, dự trừ trường hợp xấu khi xảy ra chiến tranh, các đồng tiền xáo trộn, thì vàng được xem dự trữ tốt nhất, nên nhu cầu về vàng luôn tăng. Đặc biệt, trong 2 năm qua, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương tăng cao.

Để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với quốc tế, theo ông cần có giải pháp nào?

Giá vàng trong nước hiện chênh lệch với giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng, có thời điểm lên gần 20 triệu đồng/lượng, do sự độc quyền vàng miếng SJC, nên nguồn cung ở thị trường nội địa khan hiếm. Trong khi đó, thị trường vàng trong nước không được liên thông với thế giới.

Theo tôi, Nghị định 24/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không còn phù hợp với diễn biến của thị trường hiện nay. Hiệp hội Kinh vàng Việt Nam cũng mong muốn nghị định này sớm được sửa đổi.

Tin bài liên quan