Giá và sản lượng xuất khẩu cùng tăng, cổ phiếu ngành gạo vẫn kém sắc

Giá và sản lượng xuất khẩu cùng tăng, cổ phiếu ngành gạo vẫn kém sắc

(ĐTCK) Ngay từ đầu năm 2018, ngành gạo đã đón tin vui khi xuất khẩu đã tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ngành gạo lại chưa nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh xuất khẩu của tháng đầu tiên năm 2018. Cụ thể, toàn ngành đã xuất đi 524 ngàn tấn gạo, đem về 249 triệu USD, tăng 56,5% về lượng và 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ tăng về sản lượng, giá bán gạo của Việt Nam cũng liên tục tăng giá. Đơn cử, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã tăng 45 USD/tấn trong vòng một tháng qua, từ mức 390 USD-395 USD/tấn trong tháng 12/2017 lên 420-430 USD/tấn vào giữa tháng 1/2018. Lý do chính khiến giá gạo 5% tấm tăng, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là do nhu cầu nhập khẩu của Indonesia và Philippines tăng cao.

Năm 2018 được dự báo sẽ là năm kinh doanh tốt của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, năm 2018, thương mại gạo toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 1%, đạt khoảng 42,3 triệu tấn.

Theo dự báo từ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt sản lượng 6,3-6,5 triệu tấn, tăng 400-600 ngàn tấn so với năm ngoái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm do thị trường nhập khẩu đặt ra.

Cổ phiếu ngành gạo vẫn kém sắc

Tuy đón nhận nhiều thông tin tích cực từ thị trường, song trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo lại liên tục giảm. Ví dụ như cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời, trong 20 phiên giao dịch của tháng 1, thì có tới 15 phiên cổ phiếu này giảm điểm, khiến giá trị cổ phiếu mất 6% trong tháng này. Đóng cửa phiên 31/1, cổ phiếu LTG đứng tại mốc 41.200 đồng.

LTG tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, một trong những doanh nghiệp tiếng tăm và lâu đời trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đăng ký giao dịch trên UPCoM từ 24/7/2017 với giá tham chiếu 55.000 đồng, cổ phiếu LTG được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, trên thực tế, cổ phiếu này lại theo chiều hướng đi xuống và tính đến thời điểm hiện tại, LTG đã mất hơn 40% giá trị so với ngày chào sàn. Tại ngày 31/1/2018, giá trị vốn hóa thị trường của LTG đạt 2.733 tỷ đồng, giảm 963 tỷ đồng theo các phiên giao dịch ảm đạm của cổ phiếu này.

Mới đây nhất, ngày 11/1/2018, Chủ tịch LTG, ông Huỳnh Văn Thòn đã ký quyết định chấm dứt hoạt động của Chi nhánh Mỹ Thới (huyện Long Xuyên, tỉnh An Giang) nhằm tái cơ cấu Tập đoàn.

Giá và sản lượng xuất khẩu cùng tăng, cổ phiếu ngành gạo vẫn kém sắc ảnh 2

Có phần thê thảm hơn là cổ phiếu FDG của CTCP Docimexco. Kể từ khi giao dịch trên UPCoM ngày 19/8/2016, cổ phiếu này thường trong tình trạng "chết" thanh khoản và nằm trong diện bị hạn chế giao dịch. Hiện giá cổ phiếu này chỉ còn 1.200 đồng, so với mức giá chốt phiên chào sàn là 1.600 đồng.

Trên sàn HOSE, cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang cũng kém sắc, hiện giao dịch quanh mốc 8.600-9.400 đồng/CP. Năm 2017, cổ phiếu AGM giảm sâu và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) liên tục đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 28% vốn của AGM, nhưng chưa thành công.

Nằm trong nhóm cổ phiếu niêm yết có giá cao nhất và sản phẩm được đánh giá là có thế mạnh riêng, nhưng cổ phiếu NSC của CTCP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) cũng giao dịch ảm đạm. Cụ thể, trong tháng 1 vừa qua, cổ phiếu này giảm tới 8 phiên và có 6 phiên tắc thanh khoản. Đóng cửa phiên 31/1/2018, NSC đứng giá 114.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, NSC đang sản xuất và phân phối các sản phẩm gạo cao cấp như gạo thơm RVT, gạo Nhật Japonia, gạo trân châu đen, gạo trân châu hương, gạo nếp cái hoa vàng. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, các sản phẩm gạo cao cấp của NSC hiện xuất khẩu sang một số thị trường như Hồng Kông, Đài Loan, Canada, châu Âu. Tuy nhiên, vì là mặt hàng cao cấp nên sản lượng xuất khẩu chưa nhiều. Năm 2017, NSC báo lãi 233 tỷ đồng. Năm 2018, NSC lên kế hoạch đạt doanh thu 1.625 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 324 tỷ đồng.

Nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam,
Vinafood II dành được nhiều sự chú ý khi Chính phủ vừa có phương án chính thức về IPO Vinafood II.

Là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo đầu ngành, nhưng giá chào bán lần đầu ra công chúng của Vinafood II lại khá khiêm tốn, khởi điểm ở mức 10.100 đồng/cổ phiếu. Vinafood II có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, sau IPO, Nhà nước vẫn nắm giữ 51% cổ phần, bán 125 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược (chiếm 25%), hơn 114 triệu cổ phiếu được bán cho nhà đầu tư đại chúng (chiếm 22,97 %). Hiện tại, tình hình tài chính của Vinafood II được đánh là khá phức tạp, đặc biệt là về các khoản thua lỗ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không cải thiện sự minh bạch, Vinafood II sẽ khó thu hút được nhà đầu tư.

Câu chuyện kinh doanh của ngành gạo đang có sự khởi đầu mỹ mãn. Điều này tạo kỳ vọng mở ra một năm tích cực cho doanh nghiệp ngành gạo nói chung và cổ phiếu gạo nói riêng.         

Tin bài liên quan