Giá uranium có thể tiếp tục tăng cao sau khi nhà sản xuất lớn nhất cảnh báo về nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đợt tăng giá mạnh mẽ của uranium có thể còn kéo dài sau khi Kazatomprom - nhà sản xuất vật liệu phóng xạ lớn nhất thế giới cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong hai năm tới.
Giá uranium có thể tiếp tục tăng cao sau khi nhà sản xuất lớn nhất cảnh báo về nguồn cung

Công ty khai thác mỏ Kazakhstan sản xuất hơn 20% sản lượng uranium toàn cầu đã cảnh báo rằng sản lượng của họ trong năm nay sẽ thấp hơn dự kiến do thiếu axit sulfuric, chất cần thiết để chiết xuất uranium từ quặng.

“Nếu khả năng tiếp cận axit sulfuric bị hạn chế tiếp tục trong suốt năm nay và nếu công ty không thành công trong việc bắt kịp tiến độ xây dựng tại các mỏ mới phát triển vào năm 2024, kế hoạch sản xuất năm 2025 của Kazatomprom cũng có thể bị ảnh hưởng”, báo cáo của công ty cho biết hôm thứ Sáu (12/1).

Uranium - được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân - đã tăng hơn gấp ba lần kể từ đầu năm 2021 lên mức cao nhất trong 16 năm.

Diễn biến giá uranium

Diễn biến giá uranium

Robert Crayfourd, nhà quản lý danh mục đầu tư của quỹ Geiger Counter về uranium cho biết: “Việc Kazatomprom đang giảm bớt kỳ vọng tăng trưởng nhắc lại kỳ vọng về một thị trường tăng giá và thắt chặt”.

Nguồn cung uranium đã tăng vọt trong những năm gần đây, do sự quan tâm trở lại của các chính phủ đối với năng lượng hạt nhân. Các nước phương Tây đang kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy hạt nhân, trong đó EDF ở Anh mới đây đã công bố kế hoạch trì hoãn việc đóng cửa 4 lò phản ứng, trong khi Trung Quốc và các quốc gia khác đang xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới.

Chính phủ Anh cũng đặt mục tiêu mở rộng công suất hạt nhân ngoài hai nhà máy được EDF hỗ trợ đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn lập kế hoạch.

Giá uranium tăng cao là sự đảo ngược hoàn toàn tình trạng dư cung kéo dài hàng thập kỷ sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 khiến toàn cầu phải giảm sử dụng năng lượng hạt nhân.

Uranium chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí cho năng lượng hạt nhân do việc xây dựng các lò phản ứng rất tốn kém, nên mối quan tâm của các công ty điện lực ít hơn về giá cả mà nhiều hơn về sự sẵn có của nhiên liệu hạt nhân.

Giá uranium cũng được thúc đẩy bởi sự quan tâm từ các quỹ phòng hộ đối với kim loại này, nhằm tận dụng sự chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn của nhiều quốc gia.

Kazakhstan là cường quốc toàn cầu về sản xuất uranium, tạo ra 43% nguồn cung chủ yếu thông qua Kazatomprom - phần lớn thuộc sở hữu của quỹ tài sản nhà nước - và các đối tác liên doanh của họ, nhưng các công ty điện lực phương Tây ngày càng lo ngại về nguồn cung nằm trong phạm vi kiểm soát của Nga và Trung Quốc.

Bất chấp cảnh báo rằng việc đạt được mục tiêu 90% khối lượng cho phép theo các thỏa thuận khai thác dưới lòng đất “có thể là một thách thức”, Kazatomprom cho biết họ cam kết đáp ứng các nghĩa vụ giao hàng vào năm 2024 cho các công ty điện lực và khách hàng khác.

Tin bài liên quan