Theo ước tính, tổng cộng 262 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm (VC) đã được rót vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong quý 2/2022.
Giá trị và khối lượng thương vụ nói trên giảm nhẹ so với quý trước, nhưng với bối cảnh đầu tư đang hồi phục sau đại dịch Covid-19, các hoạt động thương vụ tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều triển vọng tích cực hơn trong quý sắp tới.
Khoản đầu tư chủ yếu tập trung vào một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Thương mại điện tử, Edtech, Fintech,... với các vòng đầu tư đa dạng từ Seed đến Series B. Các công ty khởi nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư hơn vào cuối năm nay.
Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam mang lại rất nhiều cơ hội cho sự gián đoạn trên quy mô lớn. Fintech, Edtech, Proptech, E-commerce và các giải pháp doanh nghiệp là những lĩnh vực quan trọng mà các startup Việt Nam đang hướng tới.
Điều đáng chú ý là các nhà đầu tư nước ngoài và những cải tiến gần đây nhằm hợp lý hóa các quy định đầu tư xung quanh các nhà đầu tư nước ngoài như VC đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.
Tổng hợp các báo cáo cho thấy tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2021 đạt mức kỷ lục với hơn 1,4 tỷ USD.
Con số này cao gấp 3 lần năm 2020 (451 triệu USD) và gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD hồi năm 2019. Ngoài 4 kỳ lân công nghệ là các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD, số lượng các công ty được định giá vài trăm triệu USD cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến đang nhận được sự đầu tư nhiều nhất. Tổng số giao dịch các thương vụ trên 10 triệu USD đã vượt mức 1 tỷ USD, tăng hơn 250% so với năm trước. Tổng giá trị đầu tư vào ngành tài chính và thương mại điện tử vượt 650 triệu USD. Ngoài ra mảng y tế cũng thu hút dòng tiền đầu tư lớn…
Đại diện Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam từng cho rằng những số liệu thương vụ đầu tư lớn từ 50-70 triệu USD được công bố ra thị trường quý 1, thậm chí cả quý 2/2022 có thể đã là những con số của cuối năm 2021.
VUIHOC là một trong các startup dồn dập nhận được 2 triệu USD trong vòng gọi vốn gần nhất được dẫn dắt bởi BAce Capital, quỹ đầu tư được hậu thuẫn bởi Ant Group, cùng ba quỹ đầu tư khác bao gồm Vulpes Venture, DT&Investment & Colopl Next, và Nextrans mới đây. |
Bởi những thương vụ lớn từ 5-10 triệu USD thông thường phải mất thời gian từ 6 tháng đến 1 năm mới hoàn thành nên thời điểm nhà đầu tư quyết định rót vốn đã diễn ra từ năm ngoái và đến nay mới xuống tiền.
Trong 6 tháng đầu năm, dòng vốn đổ vào có thể vẫn tương đương với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Dự báo trong 1-2 năm tới sẽ chứng kiến sự sụt giảm nhất định của thị trường.
Các quỹ đầu tư cho rằng, hiện nay tình hình thị trường thế giới đã chứng kiến sự điều chỉnh đáng kể, đặc biệt là thị trường các cổ phiếu công nghệ của Mỹ đã giảm, trong đó có những cổ phiếu rất “hot” trong 2- 3 năm qua đã giảm đến 50- 70%, nên các thị trường khác cũng sẽ có diễn biến tương tự.
Riêng những thị trường mới nổi như Việt Nam, độ trễ có thể sẽ lâu hơn. Với những diễn biến như trên, trong năm 2022, dòng vốn đầu tư thực tế vào thị trường start-up có thể sẽ không cao.
Các nhà đầu tư kỳ vọng trong năm nay chỉ cần duy trì được mức vốn đầu tư vào khởi nghiệp như năm 2021 đã là một thành công của Việt Nam.
Một số chuyên gia cho rằng dòng tiền đầu tư vào startup sẽ không dễ dàng nữa. Những thương vụ nhận đầu tư 100-200 triệu USD sẽ rất ít, không còn phổ biến như trước đây.