Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc LienVietPostBank.
Thời điểm niêm yết hiện tại là phù hợp
Đi thẳng vào câu chuyện niêm yết, trong quá khứ, khi Ngân hàng đăng ký giao dịch trên UPCoM, đã có cổ đông đặt vấn đề là tại sao không niêm yết luôn trên HOSE mà phải “đi từ từ” như vậy. Nhìn lại quá trình này, ông có thấy đúng là phải niêm yết ngay từ trước, thay vì đến năm nay không?
Trước tiên, tôi muốn khẳng định việc đăng ký giao dịch và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là cần thiết trong quá trình phát triển của các công ty đại chúng nói chung và là bước đi tất yếu với LienVietPostBank nói riêng.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã xây dựng lộ trình đăng ký giao dịch và niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng để đảm bảo tối đa lợi ích của nhà đầu tư, cũng như phù hợp với sự phát triển chung.
Do đó, năm 2017, Ngân hàng thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM là một bước ngoặt quan trọng của Ngân hàng, đánh dấu sự trưởng thành về quy mô doanh nghiệp và khẳng định năng lực quản trị minh bạch và hiệu quả.
Việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM đã tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch cổ phiếu của cổ đông cũng như nhà đầu tư và mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các kênh huy động vốn dài hạn trên thị trường, đáp ứng kịp thời kế hoạch phát triển của Ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng tiếp cận và áp dụng các chuẩn mực cao hơn về quản trị ngân hàng, nâng cao vị thế và uy tín trên thị trường tài chính, xây dựng nền tảng vững chắc và tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo.
Việc niêm yết trên HOSE cần có lộ trình và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Vì vậy, chúng tôi đánh giá LienVietPostBank lựa chọn thời điểm niêm yết hiện tại là phù hợp.
Đi vào chi tiết hơn một chút, chủ trương niêm yết trên HOSE được Đại hội đồng cổ đông thông qua, nhưng còn kế hoạch cụ thể đi kèm với những câu chuyện bán vốn nước ngoài khi LienVietPostBank giữ lại room ngoại hơn 20% sẽ thế nào, thưa ông?
Phương án phát hành riêng lẻ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ sau khi thực hiện thủ tục nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 thông qua.
Theo đó, LienVietPostBank sẽ ưu tiên tìm kiếm những đối tác là nhà đầu tư tổ chức, cá nhân nước ngoài có tiềm năng tài chính, uy tín, kinh nghiệm và có cam kết đầu tư lâu dài, đồng hành cùng Ngân hàng trong những bước phát triển tiếp theo.
Việc lựa chọn thời điểm phát hành, đối tượng phát hành cũng như các vấn đề chi tiết khác để thực hiện phương án này đã được Đại hội đồng cổ đông giao/ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định trên cơ sở đảm bảo đợt phát hành thành công, đem lại lợi ích cao nhất cho cổ đông và Ngân hàng.
LienVietPostBank sẽ triển khai tại thời điểm thích hợp sau khi hoàn tất thủ tục niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.
Niêm yết là mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, lợi ích thì gồm nhiều thứ, nhưng nói từ lợi ích cũng là để tránh từ tế nhị cần nói thẳng là “giá cổ phiếu tốt hơn”, hẳn Hội đồng quản trị LienVietPostBank đã tính tới điều này?
Đúng là chúng tôi cũng chịu sức ép từ cổ đông luôn đòi hỏi cao với khả năng sinh lời từ đồng vốn đã đầu tư.
Do đó, niêm yết cổ phiếu LPB trên HOSE là một trong những động thái góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của LienVietPostBank đối với các nhà đầu tư, đồng thời giúp nâng cao thanh khoản của cổ phiếu, qua đó xác định đúng giá trị của cổ phiếu, giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính để tạo ra sự đột phá trong kinh doanh.
Đối với LienVietPostBank, việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE đem lại cơ hội tiếp cận với nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt trong và ngoài nước, tăng khả năng huy động vốn cho Ngân hàng để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai.
Như vậy, rõ ràng việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả các bên, bao gồm cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng cũng như bản thân Ngân hàng, chứ không chỉ là chuyện giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Nói thêm một chút về chuyện kinh doanh, làm ngân hàng năm Covid-19 chắc hẳn với ông có nhiều áp lực, đặc biệt là câu chuyện nợ xấu?
Trong bối cảnh khó khăn chung của cả ngành ngân hàng do dịch bệnh Covid-19, LienVietPostBank đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó và triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như cơ cấu thời gian trả nợ cho khách hàng để đảm bảo phù hợp với tình hình sản xuất - kinh doanh của khách hàng; triển khai các gói tín dụng ưu đãi đến khách hàng như giảm lãi suất, tăng thời gian cho vay cho các khách hàng mới; hạ lãi suất cho vay các khách hàng hiện hữu.
Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi với khách hàng nhằm nắm bắt nhanh tình hình kinh doanh của khách hàng để đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Nhờ có các giải pháp kịp thời, hiệu quả, đến nay, tỷ lệ nợ xấu do khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Ngân hàng hầu như không đáng kể.
Tập trung theo định hướng bán lẻ
Như ông nói, làm lãnh đạo một tổ chức lớn đầy sức ép và thử thách vì cổ đông luôn đòi hỏi cao với khả năng sinh lời từ đồng vốn đã đầu tư. Khó khăn nhất là định một chiến lược dài hạn để có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Theo ông, một định vị nào là phù hợp cho LienVietPostBank thời gian tới?
Năm 2020, LienVietPostBank tiếp tục tập trung phát triển theo định hướng bán lẻ trên cơ sở khai thác thế mạnh mạng lưới, tiếp cận nhiều đối tượng, nhiều phân khúc khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những người ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi “tín dụng đen”.
Các sản phẩm - dịch vụ tài chính vi mô và sản phẩm - dịch vụ chuyên biệt cho từng vùng miền của Ngân hàng được phát triển đa dạng, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tài chính đa dạng, ngày càng cao của khách hàng. Trong thời gian tới, LienVietPostBank cũng sẽ đón đầu xu hướng, tận dụng thế mạnh mạng lưới là cơ sở để phát triển ngân hàng số.
Ngày 15/10 vừa qua, Ngân hàng đã cho ra mắt sản phẩm LienViet24h nhằm cung cấp cho khách hàng dịch vụ ngân hàng số toàn diện 3 trong 1 (tích hợp thẻ phi vật lý Ví Việt; dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking; dịch vụ thẻ) với những tiện ích thông minh như tiết kiệm online, chuyển tiền nhanh, xác thực người dùng thông qua nhận diện khuôn mặt… đáp ứng toàn bộ nhu cầu của khách hàng trên một ứng dụng duy nhất.
Ông có thể chia sẻ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2020?
Với định hướng kinh doanh linh hoạt, quyết liệt với hàng loạt giải pháp đồng bộ của Ban lãnh đạo Ngân hàng, lợi nhuận trước thuế quý III/2020 tăng mạnh 42% so với cùng kỳ năm trước, qua đó đóng góp mạnh mẽ vào kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020 của LienVietPostBank.
Cụ thể, lợi nhuận đến hết quý III/2020 của LienVietPostBank đã vượt kế hoạch cả năm khi đạt hơn 1.740 tỷ đồng. Dự báo quý cuối năm, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu vay kinh doanh, vay tiêu dùng sẽ tăng mạnh trở lại, Ban lãnh đạo Ngân hàng tin tưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 sẽ vượt kết quả năm 2019 và đạt mức cao nhất trong 12 năm hoạt động của Ngân hàng.
Về hoạt động dịch vụ, thu thuần dịch vụ tiếp tục bứt phá trong 9 tháng đầu năm 2020 với mức tăng trưởng tới 80% so với cùng kỳ năm 2019 do Ngân hàng xác định đây là nguồn thu ổn định, ít rủi ro, nên đã tập trung đẩy mạnh vào các mảng kinh doanh thế mạnh như thẻ, thanh toán, bảo hiểm…
Trong đó, LienVietPostBank đã tạo dấu ấn lớn trên thị trường kinh doanh bảo hiểm (bancassurance) khi những năm gần đây luôn nằm trong tốp các ngân hàng có tăng trưởng doanh số kinh doanh bảo hiểm cao nhất toàn thị trường, riêng 9 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tỷ trọng 64% vào tổng thu thuần dịch vụ của Ngân hàng.
Song song với kết quả lợi nhuận tăng trưởng tích cực, các chỉ tiêu kinh doanh khác của Ngân hàng cũng đều vượt kế hoạch đề ra.
Theo đó, đến 30/9/2020, tổng tài sản đạt hơn 212.000 tỷ đồng; nguồn vốn huy động thị trường 1 đạt hơn 184.000 tỷ đồng, hoàn thành 110% kế hoạch năm; dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt gần 160.000 tỷ đồng, hoàn thành 102% kế hoạch năm 2020.
Nếu đề cập về triển vọng năm 2021 và các năm tiếp theo của Ngân hàng, ông sẽ nói gì?
Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung phát triển theo định hướng bán lẻ trên cơ sở khai thác thế mạnh mạng lưới, tiếp cận nhiều đối tượng, nhiều phân khúc khách hàng ở mọi miền Tổ quốc, mang sản phẩm - dịch vụ tài chính vi mô tới tận vùng sâu, vùng xa, tiến tới trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu thu nhập, nâng tỷ trọng thu dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng, trong đó tập trung đẩy mạnh các dịch vụ có thế mạnh như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số, các hoạt động thu hộ chi hộ…
Thông qua phát triển công nghệ, tăng tiện ích và đa dạng sản phẩm giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tận dụng và phát huy thế mạnh mạng lưới rộng lớn để đưa các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng đến khắp mọi miền đất nước. Phát triển mạng lưới trên cả 2 kênh là mạng lưới vật lý và kênh ngân hàng số.
Thông qua hệ thống các điểm giao dịch nằm tại tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước, LienVietPostBank thực hiện hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, tăng khả năng tiếp cận người dân trong việc sử dụng các sản phẩm công nghệ số một cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí,