Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Giá trị bị lu mờ khi thị trường sợ hãi

(ĐTCK) Chỉ sau hai ngày nghỉ cuối tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chuyển sang trạng thái sợ hãi tột độ khi nhiều cổ phiếu bị bán tháo, không còn kỳ vọng lực đỡ của cổ đông nội bộ, không còn quan tâm đến giá trị nội tại hay tỷ lệ cổ tức cao. Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này, không ít cổ phiếu có lượng lớn dư bán tại mức giá sàn.

Lý do khiến nhà đầu tư hoảng loạn là số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam tăng lên và thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục đỏ lửa khi dịch lan rộng gần khắp toàn cầu với tình trạng lây nhiễm nhanh.

Câu chuyện ba xu đổi lấy một đồng tưởng chỉ xảy ra trong chuyện ngụ ngôn đã xảy ra trên thị trường chứng khoán.

Ðơn cử, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu HHS của Công ty cổ phần Ðầu tư Dịch vụ Hoàng Huy với giá 3.300 đồng/cổ phiếu, trong khi công ty này đang sở hữu 1.900 tỷ đồng tiền mặt và hơn 600 tỷ đồng là vốn và lợi nhuận góp vốn đầu tư vào bất động sản.

Khoản này sẽ được kết chuyển hết về tài khoản công ty trong 2 quý đầu năm, nâng số tiền mặt của HHS lên 2.500 tỷ đồng, tương đương gần 10.000 đồng/cổ phiếu là tiền mặt ròng, chưa kể các tài sản khác, trong khi doanh nghiệp gần như không vay nợ.

Trước đó, giá cổ phiếu HHS đã phục hồi lên hơn 5.000 đồng/cổ phiếu khi Công ty quyết định chi trả cổ tức tỷ lệ 4% năm 2019 và 6% năm 2020, nhưng vẫn bị “nhấn chìm” trong phiên đầu tuần vì nỗi sợ Covid-19.

Một công ty có tiền mặt ròng lớn như vậy còn bị bán tháo cổ phiếu, huống hồ các cổ phiếu khác đang được định giá theo hệ số P/E cao.

Phần lớn các công ty trong chỉ số VN30 đang được định giá theo P/E cao hơn nhiều mức bình quân trên thị trường, mà nếu nắm giữ để hưởng cổ tức thì phải chục năm mới hoàn vốn.

Trong khi đó, dịch Covid-19 đang làm thay đổi thị trường, thay đổi tiềm năng phát triển của từng ngành trong ngắn và trung hạn.

Việc đánh giá lại giá trị cổ phiếu trong bối cảnh đặc biệt hiện nay trên toàn thế giới là nguyên nhân khiến nhà đầu tư trong nước cũng đồng thuận cùng nhà đầu tư ngoại thoát hàng.

Trên cả 3 sàn giao dịch, hơn 60% mã cổ phiếu đang có thị giá dưới giá trị sổ sách và hàng chục mã có giá thấp hơn lượng tiền mặt ròng của doanh nghiệp.

Vậy nhưng, những khuyến nghị bắt đáy lúc này chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ cho những người đang cầm tiền và chấp nhận mạo hiểm.

Khuyến nghị chủ đạo vẫn là chưa nên tham gia thị trường, chờ đợi dấu hiệu “dịch tạo đỉnh, thị trường tạo đáy”.

Một thành viên Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Ðầu tư Nam Long (NLG) chia sẻ, giá cổ phiếu đã xuống thấp, nhưng ở thời điểm còn nhiều biến động, Công ty cần ưu tiên nguồn lực cho những mục tiêu quan trọng, hơn là mua cổ phiếu quỹ. Nam Long vẫn đang âm thầm triển khai công tác bán hàng.

Lãnh đạo một số công ty niêm yết khác cho biết, hoạt động của công ty khó có thể tránh khỏi tác động bởi dịch, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ không đáng kể, hoạt động của doanh nghiệp vẫn ổn định.

Tuy nhiên, đa số nhà đầu tư vẫn lo lắng về triển vọng doanh nghiệp. Một số nhà đầu tư chứng khoán lâu năm nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ổn định trong vòng 1 tháng nữa, khi mà số ca nhiễm bệnh không còn tăng lên, do Việt Nam đã hạn chế nhập cảnh và kiểm soát, cách ly toàn bộ người nhập cảnh ngay từ đầu.

Một tháng bình thường trôi qua rất nhanh, nhưng với nhà đầu tư chứng khoán lúc này, một tháng có thể kéo dài gấp nhiều lần, vì nỗi sợ chứng khoán vẫn có nguy cơ bị bán tháo.

Tuy nhiên, lịch sử các thị trường đều cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng luôn có những nhà đầu tư giàu lên nhờ bản lĩnh và trụ lại được trên thị trường.

Tin bài liên quan