Gia tộc doanh nhân chính là những doanh nghiệp gia đình có nhiều thế hệ tham gia vào công việc kinh doanh và cùng bảo tồn những giá trị, di sản và “văn hóa gia tộc” của gia đình.
Doanh nghiệp gia đình, ngọn đuốc dẫn đường mang tên khát vọng
Khát vọng đưa tên tuổi của gia đình đi xa hay cung cấp sản phẩm chất lượng có thể được xem là yếu tố tiên quyết để định hình đường hướng phát triển của các doanh nghiệp gia đình, từ việc lựa chọn ngành nghề đến xây dựng mô hình, chiến lược kinh doanh, biến những mong muốn vô hình thành những giá trị đo đếm được cho xã hội, ngành nghề và sự phát triển kinh tế của đất nước, và cả thế giới.
Những câu chuyện về khát vọng sản xuất sản phẩm mà nhân loại sẽ cần trong tương lai, mang đến những hàng hóa, dịch vụ riêng biệt đi kèm trải nghiệm tốt cho khách hàng không quá xa lạ với những gia tộc doanh nhân hàng đầu trên thế giới có hơn 100 năm hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dược phẩm, bán lẻ, công nghiệp, điện tử.
Tại Việt Nam, đa số các doanh nghiệp gia đình thành công dù hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau đều cùng sẻ chia chung khát vọng đem sản phẩm chất lượng của người Việt gắn với tên tuổi của người sáng lập, phục vụ cho thị trường trên 90 triệu người dân tại Việt Nam, và xa hơn là nỗ lực đưa những sản phẩm Việt có tên trên bản đồ khu vực và thậm chí là thế giới.
Dù tuổi đời trung bình của phần lớn các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện nay rơi vào khoảng 25 - 30 năm, nhưng đã có bảy gia tộc doanh nhân Việt Nam được UNESCO công nhận nhờ những đóng góp đáng kể và sự hiện diện liên tục trên thương trường trong nhiều giai đoạn lịch sử để thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh.
Dù tuổi đời trung bình của phần lớn các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện nay rơi vào khoảng 25 - 30 năm, nhưng đã có bảy gia tộc doanh nhân Việt Nam được UNESCO công nhận.
Hiện nay, các thế hệ sáng lập của nhiều doanh nghiệp gia đình Việt vẫn đang tham gia vào công việc kinh doanh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, và các thành viên của thế hệ con cái (thế hệ kế nghiệp, NextGen) tham gia và gắn kết với doanh nghiệp gia đình.
Nhìn chung, một doanh nghiệp từ khi thành lập sẽ có ba giai đoạn phát triển bao gồm: Giai đoạn 1: Tồn tại; Giai đoạn 2: Quản lý tăng trưởng và Giai đoạn 3: Kiểm soát quản lý, phân bổ nguồn lực. Các doanh nghiệp gia đình cũng không phải ngoại lệ.
Các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hầu hết đang nằm trong giai đoạn chuyển giao giữa giai đoạn đầu tiên và giai đoạn thứ hai.
Theo đó, các doanh nghiệp gia đình đang từng bước chuyển phương thức quản lý từ chủ nghĩa cá nhân, quản trị trực tiếp sang hợp nhất chuyên môn và quản lý kết hợp.
Vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp không chỉ còn là sự tồn tại trong môi trường kinh doanh nội địa, mà là quản lý sự tăng trưởng và cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hòa nhập với khu vực và quốc tế.
Chỉ khi việc chuyển mình này được các doanh nghiệp hoàn thành thành công, bảo tồn được các giá trị của doanh nghiệp, thì chúng ta mới có thể chứng kiến được sự hình thành của các gia tộc doanh nhân thế hệ mới.
Hành trang đến gia tộc doanh nhân của doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam
Theo khảo sát của Deloitte năm 2019, các doanh nghiệp gia đình trên toàn cầu thường có kỳ vọng phát triển bền vững trong dài hạn, nhưng chỉ 30% doanh nghiệp gia đình tồn tại đến thế hệ quản lý thứ hai, 13% doanh nghiệp gia đình tồn tại đến thế hệ quản lý thứ ba, và chỉ 3% doanh nghiệp tồn tại và chuyển giao được vượt qua thế hệ thứ ba.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lụi tàn của doanh nghiệp gia đình là sự khác biệt và chênh lệch về tư duy và năng lực, không có kế hoạch chuyển giao bài bản, dung hòa sự khác biệt.
Các gia tộc doanh nhân lớn trên thế giới đã giải quyết bài toán đó bằng việc xây dựng nền tảng “văn hóa gia tộc”, nơi các thành viên thuộc các thế hệ có thể hiểu, tiếp tục viết tiếp những trang sử thành công của gia đình, truyền cho thế hệ tiếp theo, đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng thế hệ kế nhiệm.
Nói cách khác, theo nghiên cứu từ các gia tộc lớn trên thế giới, các doanh nghiệp gia đình Việt cần tập trung hơn nữa vào các yếu tố như: giá trị cốt lõi của gia tộc; “ngân hàng tín nhiệm”; năng lực cạnh tranh thông qua tăng cường giao tiếp, trao đổi giữa các thành viên của các thế hệ trong gia đình, cũng như các nhân tài thu hút từ ngoài gia đình; lập chiến lược dài hạn kết hợp với ưu tiên các hành động ngắn hạn.
Đầu tiên là giá trị cốt lõi. Mỗi gia tộc có một hệ tư tưởng, hệ giá trị riêng. Hệ giá trị chính là nền tảng và là bệ phóng giúp doanh nghiệp đi qua khủng hoảng, phát triển qua các thế hệ, mà không phải đo lường bằng quy mô doanh nghiệp, hay những con số tăng trưởng hàng năm.
Tại Việt Nam, truyền thống “cha truyền - con nối” là một nét văn hóa đã giúp gây dựng các thế hệ doanh nhân kế cận, nhưng thực tế cũng sẽ có những con cháu không thực sự hào hứng với “gia tài” của cha ông, vì chưa thấm nhuần tinh thần và những giá trị cốt lõi.
Để xây dựng một gia tộc doanh nhân, các thành viên trong gia tộc cần hiểu rõ họ đang chia sẻ chung một sứ mệnh là xây dựng và duy trì hệ tư tưởng, những giá trị cốt lõi của gia tộc trường tồn theo năm tháng.
Để luôn giữ vững tinh thần và giá trị cốt lõi, việc giao tiếp và thấu hiểu giữa các thành viên, giữa các thế hệ trong gia tộc là điều thiết yếu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chiến lược giáo dục trong gia tộc, hay từng gia đình cũng cần được bàn bạc, thống nhất cao.
Để xây dựng một gia tộc doanh nhân, các thành viên trong gia tộc cần hiểu rõ họ đang chia sẻ chung một sứ mệnh là xây dựng và duy trì hệ tư tưởng, những giá trị cốt lõi của gia tộc trường tồn theo năm tháng.
Ví dụ như câu chuyện các con, cháu trong gia tộc từ bé phải bắt buộc học các trường nào, sau này lớn lên học đại học về chuyên ngành gì trong nước hay nước ngoài, kinh nghiệm làm việc ra sao trước khi có “quyền” tham gia vào công việc kinh doanh của gia tộc.
Thứ hai là sự tín nhiệm. Đối với các doanh nghiệp gia đình, đặc biệt là các doanh nghiệp gia đình tại châu Á, chữ “tín” đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gắn kết các thành viên trong gia đình, và thúc đẩy quan hệ giữa doanh nghiệp gia đình với các bên liên quan như giúp giữ chân nhân tài, tăng cường sự trung thành của khách hàng và đối tác.
Thứ ba là năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh nền kinh tế luôn thay đổi, các doanh nghiệp luôn cần phải đổi mới để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội.
Lợi thế của doanh nghiệp gia đình so với các doanh nghiệp khác là khả năng phản ứng nhanh nhẹn, linh hoạt. Hiện nay, đa số doanh nghiệp gia đình Việt đều mong muốn tập trung phát triển nhân sự và chuyển đổi kỹ thuật số.
Thứ tư là chiến lược trong dài hạn. Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động khó lường, đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp gia đình định hình các chiến lược dài hạn trong 10 - 20 năm tới.
Học tập xu thế thế giới, một số doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (khai thác, sản xuất, tiêu hủy) sang mô hình kinh tế tuần hoàn (tái sử dụng, chia sẻ, sửa chữa, nâng cấp, tái sản xuất, tái chế) vì kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại giá trị về mặt kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hóa khát vọng đưa sản phẩm ra khu vực và thế giới.
Mặc dù, con đường để một doanh nghiệp gia đình trở thành một gia tộc doanh nhân không hề dễ dàng, nhưng những doanh nghiệp Việt với các thế hệ doanh nhân luôn mang trong mình khát vọng mãnh liệt, vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng, được hun đúc bởi ý chí vươn lên và tinh thần đổi mới sẽ chứng kiến được sự trỗi dậy và bứt phá của nhiều gia tộc doanh nhân góp phần đáng kể và quan trọng giúp Việt Nam trở thành một đất nước hiện đại sánh vai với các cường quốc năm châu, tiến tới việc nằm trong nhóm những nền kinh tế hàng đầu thế giới.