Được đầu tư bài bản, nên các công ty chăn nuôi có mô hình nhà máy hiện đại, quy mô và sản lượng lớn. Ảnh: TTXVN
Bài 2: Bí ẩn chính sách bán hàng của doanh nghiệp chăn nuôi
Nguồn cung thịt lợn khan hiếm, thương lái buộc phải chấp nhận “luật chơi” riêng của doanh nghiệp chăn nuôi, khiến giá lợn hơi vẫn chưa thể hạ nhiệt.
Vất vả nghề thương lái
Tiếp tục theo chân các thương lái hối hả trên những chuyến xe với những “người bạn đồng hành” béo tốt, chúng tôi gặp anh Sang - người đàn ông có nước da đen cháy dạn dày sương gió.
Gặp chúng tôi lúc nửa đêm, khi đã đẩy hết lợn vào chuồng chờ giết mổ, anh Sang mang xe ra bãi rửa và tranh thủ trò chuyện. Anh kể, chuyến xe xuất phát từ Hà Nội 7 giờ tối hôm trước, đến đêm thì lên tới Thái Nguyên, chiều hôm sau lại vòng về Thanh Hóa. Anh dự định mua khoảng 60 - 70 con, nhưng chỉ gom được 26 con.
“Lợn bắt tại chuồng toàn 95.000 - 97.000 đồng/kg. Giá cao, mà lấy nhầm “lợn xấu” (chất lượng kém, ăn không ngon - PV) thì chỉ có lỗ, bán không được. Nếu không tinh mắt chọn, thì có khi mất đến hàng chục triệu. Chúng tôi làm việc suốt gần 30 tiếng chưa nghỉ ngơi, vậy mà cũng không biết chuyến này lỗ hay lãi”, anh Sang chia sẻ những khó khăn, vất vả của nghề thương lái giữa lúc giá lợn tăng cao.
Cách chỗ chúng tôi nói chuyện không xa, một xe tải màu xanh với thùng xe 3 tầng chở lợn vừa về tới cơ sở giết mổ. Anh Thịnh chủ xe chia sẻ, xe của anh đi từ 3 giờ đêm hôm trước, vào tận huyện Nông Cống (Thanh Hóa) để lấy lợn.
“Giữa mùa hè, ngoài đường nắng đến gần 50 độ, chúng tôi hoa cả mắt, nhiều khi muốn xỉu, thu gom khắp nơi mới được gần 60 con, mãi chiều tối mới về tới Hà Nội. Chúng tôi làm quần quật cả ngày, hơn 20 tiếng không nghỉ như vậy may ra có 1 triệu đồng tiền công. Các khâu trung gian nói chung “đói” lắm, chỉ có người nuôi lợn là thắng lớn thôi”, anh Thịnh trút bầu tâm sự.
Doanh nghiệp “ăn cả”
Trong bài trước, chúng tôi đã đề cập câu chuyện mà những người thương lái chia sẻ về việc nhân viên các công ty chăn nuôi lớn ngang nhiên ăn chặn giá bán lợn. Tiếp tục điều tra, tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi biết được những chính sách bán hàng ngoài sức tưởng tượng.
Bấm số máy phòng bán hàng của công ty chăn nuôi C. có vốn đầu tư nước ngoài (trụ sở tại tỉnh Hòa Bình), anh thương lái tên Thắng, vốn là khách quen có mã code khách hàng của công ty này lâu năm hỏi giá bán lợn và nhận được ngay câu trả lời từ một giọng phụ nữ: “Giá lợn hôm nay Công ty rao bán 79.000 đồng/kg với 15.000 đồng ‘phế’ (số tiền chênh lệnh giá, hay là tiền lót tay để được mua lợn của công ty - PV) nhé!”
Câu trả lời công khai và không ngần ngại của nhân viên này khiến nhóm phóng viên chúng tôi sửng sốt, nhưng dường như không khiến những người buôn bán lợn như anh Thắng bất ngờ.
Nhận thấy sự ngỡ ngàng của chúng tôi, anh Thắng giải thích, nếu lượng lợn bán ra ít, “phế” ít, thì thương lái trả thẳng cho người bán bằng cách chuyển khoản vào tài khoản riêng của người bán. Còn nếu không, thì sau vài ngày sẽ có một người cỡ trưởng phòng của Công ty C. đi thu “phế” từ các thương lái như anh.
“Cả công ty này bán ra khoảng 15.000 con lợn mỗi ngày. Riêng khu vực miền Bắc, công ty này có 4 kho (điểm bán), ước chừng mỗi ngày bán ra khoảng 3.000 con lợn. Như vậy, mỗi lần đi thu “phế” 15.000 đồng/kg ở khu vực này cũng đã hơn 4 tỷ đồng rồi”, anh lái buôn nhẩm tính số tiền mà các nhân viên bán hàng của Công ty C. thu được từ việc “ăn” chênh lệch giá bán.
Các thương lái cũng cho biết, việc mua bán lợn giữa họ với tất cả các công ty chăn nuôi hầu như không sử dụng hóa đơn nào ghi lại số tiền, giá bán. “Mỗi lần đi bắt lợn, các công ty chỉ xuất phiếu ghi ngày, giờ và tổng số cân lợn mà chúng tôi lấy, không hề có hóa đơn hay đơn giá, số tiền gì trong đó cả. Đến khi thanh toán, công ty báo bao nhiêu, chúng tôi trả bấy nhiêu”, lái buôn tên Thịnh chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư. Có lẽ, điều này lý giải phần nào câu hỏi vì sao, các công ty chăn nuôi có thể ngang nhiên bán lợn hơi với giá 95.000 - 97.000 đồng/kg, bất chấp những yêu cầu, nỗ lực của Chính phủ về việc bình ổn giá lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg.
Như vậy, có thể hình dung sự chi phối, thao túng vô hình đối với việc kiểm soát các khâu trung gian, thị trường và giá bán thịt lợn mà các công ty chăn nuôi đang tạo ra là vô cùng lớn. Khi nguồn cung thịt lợn khan hiếm, những người thương lái không có nhiều sự lựa chọn và phải chấp nhận những yêu cầu, chính sách mà các công ty chăn nuôi đưa ra.
Phía sau vẻ ngoài hào nhoáng của những công ty chăn nuôi có vốn đầu tư lớn, mô hình nhà máy hiện đại, quy mô và sản lượng lớn là những chính sách kinh doanh, bán hàng đầy “bí ẩn” và đội ngũ nhân viên ăn chặn, thao túng giá, gây ra nhiều hệ lụy, tác động đến giá cả, làm tăng chi phí sinh hoạt của hàng triệu người dân...
Vậy mà, tình trạng này vẫn đang diễn ra, người bán thao túng giá cả, trục lợi trong khi tình hình kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh; người mua im lặng, chấp nhận luật chơi để duy trì mối quan hệ làm ăn. Người mua, thương lái kinh doanh nhỏ lẻ không dùng hóa đơn, chứng từ thì cũng dễ hiểu, nhưng ngay cả những công ty lớn hàng đầu trong ngành cũng không xuất hóa đơn khi bán hàng (hàng hóa số lượng lớn, giá trị lớn), thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu thuế của Nhà nước.
Nếu không sớm có sự can thiệp của các cơ quan chức năng, chính quyền, lực lượng quản lý thị trường, thì chắc chắn, tình trạng này còn kéo dài không có hồi kết. Hơn nữa, đó có thể trở thành những thông lệ xấu, thiếu minh bạch trong cách làm việc, kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi, tác động tiêu cực đến chỉ số lạm phát, gây thất thu ngân sách..., khiến thịt lợn trở thành “món ăn xa xỉ” trong bữa cơm của người Việt.
Giá lợn hơi tăng, công ty chăn nuôi thu lợi “khủng”
Trước những nỗ lực của Chính phủ trong việc bình ổn giá thị lợn, nhiều công ty chăn nuôi không ngừng nói về việc chịu lỗ, bù lỗ.
“Mặc dù giá bán lợn hơi cao hơn so với thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi, nhưng các khoản chi lớn cho việc khử trùng và tăng cường nguồn nhân lực trong chăn nuôi đã làm giảm đáng kể lợi nhuận kinh doanh”, đại diện Công ty C.P. Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Song nhiều ý kiến cho rằng, dù bán lợn hơi với giá 70.000 đồng/kg, các công ty vẫn kiếm được kha khá lợi nhuận.
Theo tính toán của ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chi phí một con heo giống 6 - 8 kg hiện khoảng 3,5 - 4 triệu đồng; sau khi thêm chi phí cho thức ăn, điện, nước, tiêm phòng..., giá bán trung bình 65.000 - 70.000 đồng/kg lợn hơi là hợp lý. Đối với các công ty đã có heo giống và có thể tự sản xuất thức ăn chăn nuôi, thì bán 50.000 đồng/kg lợn hơi là có lãi.
Trên thực tế, giá bán lợn hơi tăng mạnh từ đầu năm tới nay đã giúp nhiều công ty chăn nuôi công bố báo cáo tài chính với số lợi nhuận cao chưa từng thấy, trong đó, ấn tượng nhất là Tập đoàn Dabaco, doanh nghiệp nội có thị phần lớn trong việc cung cấp lợn hơi, con giống và thức ăn chăn nuôi.
Dabaco cho biết, doanh nghiệp lãi gần 593 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm nay, cao hơn hẳn cùng kỳ năm 2019, trong khi doanh thu đạt 4.483 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 tháng đầu năm, Dabaco đã hoàn thành 34% mục tiêu doanh thu và vượt gần 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.
Công ty cổ phần Nông Súc Sản Đồng Nai (Dolico) thu về 38,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2020, vượt 140% so với mục tiêu cả năm và cao hơn 27,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu quý I của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) đạt 633,4 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
“Đại gia” lớn nhất ngành chăn nuôi là Công ty C.P. Việt Nam tuy không công bố báo cáo tài chính và những con số doanh thu, lợi nhuận, nhưng với lượng lợn bán ra 15.000 - 17.000 con lợn mỗi ngày, gấp hơn chục lần các công ty khác, thì có thể hình dung, năm 2020 sẽ là năm bội thu chưa từng có của doanh nghiệp Thái Lan này tại Việt Nam.