Phần lớn các hợp đồng xây dựng hiện tại đều là hợp đồng đơn giá cố định và hợp đồng trọn gói.

Phần lớn các hợp đồng xây dựng hiện tại đều là hợp đồng đơn giá cố định và hợp đồng trọn gói.

Giá thép tăng sốc, nhà thầu kêu trời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp thép đua nhau tăng giá chóng mặt có thể phải gánh chịu tác động ngược khi nhà thầu xây dựng không chịu nổi lỗ và ngưng thi công.

Các gói thầu bị “vỡ” phương án kinh tế

Tổng giám đốc một công ty xây dựng đang niêm yết trên HNX cho biết, thép là một loại nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng cao, có thể nói là cao nhất cấu thành nên công trình, 50% với gói thầu chỉ có phần kết cấu thô hoặc 20% với gói thầu có cả hoàn thiện. Từ đầu năm tới nay, giá thép đã tăng khoảng 50%.

Phần lớn các hợp đồng xây dựng hiện tại đều là hợp đồng đơn giá cố định và hợp đồng trọn gói - tức nhà thầu không được thay đổi giá khi giá nguyên vật liệu trên thị trường thay đổi (trừ các trường hợp bất khả kháng).

Theo đó, toàn bộ các gói thầu ký từ năm 2020 và đầu năm 2021 đều bị ảnh hưởng lớn, có thể nói là “vỡ” phương án kinh tế, bởi vì biên lợi nhuận một gói thầu thi công xây dựng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay là rất “mỏng”, thường ở mức trên dưới 5%, đặc biệt có gói thầu nhà thầu chấp nhận làm hòa vốn để lấy công việc cho cán bộ, công nhân viên.

Với tỷ trọng 20% của gói thầu, việc giá thép tăng 50% thì nhà thầu sẽ lỗ từ 5 - 10%, với những gói thầu chỉ riêng phần thô, mức lỗ lên đến 20 - 25%. Giá thép tăng, hệ quả còn kéo các nguyên vật liệu khác tăng theo như xi măng, cát, đá, gạch… và cả chi phí nhân công tăng, khiến mức lỗ của nhà thầu còn cao hơn.

Việc giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và nhanh trong thời gian ngắn làm phát sinh nhiều chi phí ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà thầu khi xây dựng giá chào thầu, làm cho doanh nghiệp bị giảm biên lợi nhuận và có nguy cơ bị thua lỗ khi triển khai dự án, đặc biệt đối với các dự án mà nhà thầu đã ký với chủ đầu tư theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định.

Đối với các dự án đầu tư vốn ngân sách được điều chỉnh giá thì khi điều chỉnh phải áp dụng đơn giá vật liệu, chỉ số giá theo thông báo của các Sở Xây dựng, mà hiện nay các thông báo này thường không cập nhật được biến động giá kịp thời nên không bù đắp được mức độ tăng giá thực tế.

Vị giám đốc trên cho biết thêm, nguy cơ phá sản đối với nhiều nhà thầu trên cả nước là rất gần nếu không nhận được sự chia sẻ từ chủ đầu tư.

Với nguồn vốn tư nhân, việc hỗ trợ chỉ cần sự thiện chí của chủ đầu tư là có thể tháo gỡ, nhưng đối với vốn ngân sách thì lại cần phải có sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, sở, ban, ngành liên quan.

Trước mắt, các nhà thầu tự cứu mình bằng cách đàm phán bù giá thép với chủ đầu tư, ít nhất là phần vật tư vật liệu chuẩn bị đưa vào thi công, phần khối lượng phát sinh, mặt khác dồn tiền mua thép giữ giá và trông chờ thép sẽ hạ nhiệt.

“Nếu Nhà nước không kìm được đà tăng của giá thép, nguy cơ vỡ trận của ngành xây dựng là rất lớn, nhà thầu thì chần chừ, chây ì thi công, dẫn đến vỡ tiến độ thi công, chủ đầu tư chậm đưa công trình vào sử dụng. Rộng hơn, đó là công nhân mất việc, giá công trình xây dựng tăng cao, giá nhà tăng cao… Nguồn kinh tế từ bất động sản bị nghẽn, đây chính là cục máu đông gây nghẽn cho nền kinh tế”, vị giám đốc nhận định.

Chủ tịch một doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, hiện có nhiều gói thầu giao thông cho biết về một số biện pháp khắc phục của doanh nghiệp.

Đối với dự án khó khăn về nguồn cung vật liệu đắp như cao tốc, doanh nghiệp chủ động đề xuất sử dụng vật liệu nghiền từ đá khai thác nhằm chủ động nguồn vật liệu. Đối với các hợp đồng mới trong giai đoạn thương thảo, nhà thầu đề xuất với chủ đầu tư ký hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Các doanh nghiệp cùng Hiệp hội Nhà thầu đã kiến nghị lên Chính phủ, các cơ quan chức năng, các chủ đầu tư hỗ trợ nhà thầu cập nhật báo giá, chỉ số giá theo thực tế thị trường để có căn cứ đàm phán điều chỉnh hợp đồng.

Tuy nhiên, như nhận định của vị giám đốc doanh nghiệp trên HNX, các gói thầu liên quan đến ngân sách không dễ điều chỉnh hợp đồng và khả năng lỗ của các nhà thầu là rất lớn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng đối với lĩnh vực xây dựng đã âm liên tiếp trong 2 tháng đầu năm 2021 (tháng 2 âm 0,67%, tháng 1 âm 0,9%). Xây dựng là ngành có tăng trưởng thấp nhất trong các ngành hiện nay.

Trông đợi chính sách

Nhìn nhận về xu hướng ngành thép trong thời gian tới, các công ty chứng khoán và giới phân tích, doanh nghiệp thép hồ hởi cho rằng, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, diễn biến này không phải không có rủi ro.

Thị phần ngành thép hiện nay nằm trong tay một số doanh nghiệp lớn như Hòa Phát.

Theo phân tích của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành thép, khi giá thép tăng quá cao, vượt qua khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp bất động sản (những doanh nghiệp đã thực hiện bán hàng ra thị trường trong khi chưa có sản phẩm bàn giao ngay) sẽ dẫn đến đình đốn, tạm dừng dự án chờ giá nguyên liệu hạ nhiệt.

Đây có thể được coi là một nguyên nhân bất khả kháng đề cập trong các hợp đồng và từ đó nhu cầu thép sẽ giảm mạnh.

Mặt khác, chính Nhà nước bị ảnh hưởng lớn ở các dự án hạ tầng, sẽ phải có chính sách điều tiết cung trong nước.

Bên cạnh việc kêu gọi doanh nghiệp tăng sản lượng, tăng cung, Nhà nước nhiều khả năng sẽ điều tiết bằng chính sách thuế như tăng thuế xuất khẩu phôi thép xây dựng, tăng thuế xuất khẩu thép thành phẩm. Như vậy, nguồn cung trong nước sẽ dồi dào, kéo giá thép giảm xuống mức hợp lý hơn.

Cũng không thể không nhắc đến việc thị phần ngành thép hiện nay nằm trong tay một số doanh nghiệp lớn như Hòa Phát. Việc công ty này có siêu lợi nhuận khi đã đạt được vị thế ấn định giá bán dẫn dắt thị trường, trong khi cả nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng, sẽ tạo ra cách nhìn phản cảm và không hợp lý từ cả xã hội và cơ quan quản lý.

Triển vọng ngành thép có tiếp tục siêu lợi nhuận hay không, có lẽ sẽ phải chờ thời gian trả lời.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP Invest):

Hiện tại, cả Bộ Công thương và Bộ Xây dựng đều có động thái vào cuộc trước sự tăng giá mạnh vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép. Bộ Xây dựng đang yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật kịp thời giá vật tư để các dự án sử dụng vốn ngân sách có cơ sở làm việc chuẩn xác. Về thị trường thép, Bộ Công thương kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.

Trước mắt, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý đã khiến thị trường bớt căng thẳng, làm chững sự tăng giá của các mặt hàng và giải quyết tâm lý nhà thầu giúp các nhà thầu cảm thấy yên tâm hơn trong thời gian tới.

Về nguyên nhân giá thép tăng cao, chính chúng tôi cũng đang đặt ra câu hỏi này, nhưng chưa được giải đáp. Tuy nhiên, một tác động có thể nhìn thấy là do giao dịch phôi thép giữa Úc và Trung Quốc đang trục trặc, dẫn tới nguồn cung từ quốc tế bị hạn chế và gây ra tăng giá.

Tin bài liên quan