Giá thép phục hồi, doanh nghiệp kỳ vọng cải thiện lợi nhuận

Giá thép phục hồi, doanh nghiệp kỳ vọng cải thiện lợi nhuận

(ĐTCK) Sau khi có nhiều đợt trồi sụt theo xu hướng giảm kể từ đầu năm, giá thép rục rịch tăng từ đầu tháng 11/2019 đến nay và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thép trong nước phục hồi theo thị trường Trung Quốc

Doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng sản xuất từ cuối tháng 10/2019 là động lực chính khiến giá thép đảo chiều từ giảm sang tăng trong thời gian gần đây. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Ðại lục liên tục tăng từ tháng 11 đến đầu tháng 12/2019.

Tại ngày 5/12, giá thép HRC giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải tăng 1,7%, lên mức 3.613 NDT/tấn (tương đương 513,29 USD/tấn).

Giá thép xây dựng theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn Thượng Hải tăng 0,5%, đạt 3.637 NDT/tấn, ghi nhận phiên tăng giá thứ ba liên tiếp. Bên cạnh đó, giá quặng sắt giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch hàng hóa Ðại Liên (DCE) tăng 0,4%, đạt 648 NDT/tấn.

Hàng tồn kho HRC của Trung Quốc có diễn biến giảm và được dự báo sẽ dao động ở mức thấp trong thời gian tới, ít nhất là đến giữa tháng 12.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Thép Ðại Thiên Lộc (DTL) cho biết, thị trường thép Việt Nam rất nhạy cảm với những biến động tại thị trường Trung Quốc.

Diễn biến giá thép tại Ðại lục tăng đã lập tức tác động tới giá thép trong nước. Cuối tháng 11, thị trường ghi nhận giá bán thép cán nóng tăng 40 USD/tấn trong một tuần và dự kiến từ nay đến cuối năm, giá thép sẽ tiếp tục có chiều hướng tăng.

Theo Bộ Công thương, 11 tháng đầu năm 2019, sản lượng sản xuất sắt thép thô, thép cán, thép thanh thép góc tăng lần lượt 37,5%, 7,7% và 20,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 11, giá bán tăng theo đà tăng giá của một số nguyên liệu, trong đó, giá thép xây dựng tăng phổ biến 150.000 đồng/tấn so với tháng 10.

Doanh nghiệp thép kỳ vọng lợi nhuận quý IV khả quan

Giá thép nguyên liệu tăng sẽ dẫn đến giá bán thành phẩm tăng, trong bối cảnh cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tăng mạnh, vì đây là cao điểm mùa xây dựng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, tháng 11/2019, sản lượng thép xây dựng Hòa Phát cung cấp ra thị trường đạt 300.000 tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2018 và là con số kỷ lục trong 1 tháng kể từ năm 1999.

Hoạt động thi công xây dựng dự án cuối năm bước vào giai đoạn cao điểm với nhu cầu khu vực dân dụng tăng là nhân tố chính giúp Công ty đẩy mạnh sản lượng bán hàng, nhất là tại khu vực phía Nam.

Mặt khác, việc giá bán thép xây dựng trên thị trường thời gian qua phục hồi kích thích các đại lý lấy hàng nhiều hơn, vì nhận định giá tiếp tục tăng.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2019, HPG sản xuất và cung cấp gần 2,5 triệu tấn thép chất lượng cao ra thị trường, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có trên 220.000 tấn xuất khẩu tới các thị trường như Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Ðài Loan, Malaysia, Úc, Mỹ…

Dự kiến, lượng thép thành phẩm xuất khẩu tiếp tục tăng, bởi đến thời điểm này, HPG đã chốt hợp đồng 35.700 tấn thép thanh và thép cuộn cho tháng 12.

Tại Công ty cổ phần Thép Pomina (POM), 9 tháng đầu năm 2019, thép xây dựng cung cấp ra thị trường là 660.000 tấn, xuất khẩu sang Canada và các nước ASEAN đạt 165.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến tháng 10/2019, mặt hàng tôn mạ của PPM đạt mức tiêu thụ lũy kế 15.000 tấn. Doanh nghiệp này cũng có triển vọng lạc quan trong hoạt động kinh doanh cuối năm.

Ðáng chú ý trên thị trường gần đây là câu chuyện đẩy mạnh đầu tư dự án nhà máy sản xuất thép của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG). Hội đồng quản trị công ty này vừa thông qua chủ trương thành lập công ty con và đầu tư dự án nhà máy ống thép mới tại Khu công nghiệp Hậu Cần, cảng Tam Hiệp (Quảng Nam).

Dự án có tên là Nhà máy ống thép Nam Kim Chu Lai, với mục tiêu sản xuất các sản phẩm ống thép có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Công ty thực hiện dự án là công ty của con của NKG, vốn điều lệ 68 tỷ đồng, NKG sở hữu 100% vốn.

Kết quả kinh doanh quý III/2019 của NKG ghi nhận lợi nhuận tăng nhờ Công ty đã giảm giá trị hàng tồn kho, đồng thời kiểm soát tốt hơn chi phí bán hàng, chi phí tài chính.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, ngành thép trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do một số thị trường tiến hành các biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép xuất xứ từ Việt Nam.

Chẳng hạn, ngày 8/11, Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đôi với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) từ Việt Nam và một số nước.

Trước đó, Indonesia công bố áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam (áp thuế từ 12,01 - 28,49% trong 5 năm).

Do đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh để tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Quý II và III/2019, thị trường thép ảm đạm, xuất khẩu khó khăn, trong khi giá thép cán nóng liên tiếp đi xuống, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vì thế bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, quý II/2019, NKG đạt doanh thu 2.964 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2018. HPG đạt 1.755 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III/2019, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2018 và là mức thấp nhất trong 9 quý trở lại đây. Công ty cổ phần Thép Tiến Lên (TLH) lỗ 8,6 tỷ đồng trong quý III/2019…

Tin bài liên quan