Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc cho biết, giá thép cán nóng đã tăng từ 470 USD/tấn lên 495 USD/tấn trong tuần qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong tuần này.
Theo ông Nghĩa, trên thị trường thế giới, giá thép cán nóng tăng trở lại sau khi đã giảm về mức đáy 180 USD/tấn, so với mức trung bình dự báo của năm 2018 là 647 USD/tấn. Do giá thép nguyên liệu giảm sâu, các nhà sản xuất thép cán nóng không còn lời nhiều nên cắt giảm sản lượng, tạo sự khan hiếm nhằm đẩy mặt bằng giá tăng trở lại.
Mặt khác, giá quặng sắt ở Úc tăng và thông tin đàm phán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tín hiệu tích cực nên các công ty lớn đã gom hàng tích trữ, góp phần làm tăng giá thép trên thị trường. Do đó, mức giá 495 USD/tấn hiện nay cũng chỉ được bán nhỏ giọt vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng.
Dù giá thép đang trong xu hướng hồi phục, song ông Nghĩa nhận định, sự phục hồi này chỉ mang tính kỹ thuật và diễn ra trong ngắn hạn, chứ chưa thể khẳng định sẽ kéo dài, bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ còn ảnh hưởng sâu sắc đến tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng - vốn là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Tại Đại hội đồng cổ đông của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) mới đây, lãnh đạo HSG cho biết đã có lãi trở lại trong quý đầu niên độ 2018-2019, đạt 60 tỷ đồng.
Tổng giám đốc HSG - ông Trần Ngọc Chu cho hay, hàng tồn kho giá cao đã giảm và hàng nhập mới với giá 470 USD/tấn sẽ về trong tháng sau. Nếu giá thép tăng trở lại và giá bán trong nước tăng theo, nhiều khả năng các công ty sản xuất tôn thép bắt đầu có lời từ cuối tháng 2 khi nguyên liệu giá rẻ đưa vào sản xuất.
Chia sẻ về nguyên nhân lỗ cả trăm tỷ đồng trong quý cuối niên độ tài chính 2017-2018, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT HSG cho biết, là do HSG đầu cơ nguyên liệu vào thời điểm giá thép cán nguội đạt 554 USD/tấn, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến giá thép quay đầu giảm sâu, cho dù có thời điểm đã tăng lên 653 USD/tấn.
Trên thực tế, tình trạng tồn kho nhiều không chỉ xảy ra với Hoa Sen. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực tôn thép chia sẻ, năm 2017 là thời điểm chu kỳ giá thép đi lên, các doanh nghiệp có hàng tồn kho nhiều đã bán ra chốt lời. Khi hết hàng tồn trong nước, các công ty thương mại đẩy giá lên cao bằng với giá nhập khẩu thời điểm đó. Sau đó, giá thép liên tục đi xuống khiến các doanh nghiệp tôn thép lỗ nặng.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa cũng cho hay, Đại Thiên Lộc lỗ hàng trăm tỷ đồng tính đến quý cuối năm 2018. Nhưng nếu mức giá thép nguyên liệu đạt 530 USD/tấn vào cuối tháng 1/2019 thì sản xuất mặt hàng tôn mạ vẫn có lời.
Hiện tại, các sản phẩm thép dẹt dùng cho gia công cơ khí thép cán nguội, tôn mạ, thép không gỉ, cơ khí chế tạo khác đang chịu thuế 25% khi xuất khẩu vào Mỹ và bị áp thuế chống bán phá giá ở nhiều thị trường khác. Bên cạnh đó, sau khi chiến tranh thương mại nổ ra, Mỹ còn áp mức thuế bổ sung rất cao nhằm hạn chế tình trạng lẩn tránh thuế với thép xuất xứ từ Trung Quốc.
Cụ thể, Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam, bằng với thép chất nền có xuất xứ Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, sẽ đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng do Trung Quốc sản xuất. Thép chống gỉ từ Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05%.
Có thể thấy, các doanh nghiệp thép Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thép HRC từ Trung Quốc về để sản xuất thép cán nguội, thép không gỉ, rồi xuất sang Hoa Kỳ sẽ bị đánh thuế lẩn tránh rất nặng.
Trong khi đó, công suất sản xuất thép cán nóng trong nước là không đáng kể so với nhu cầu cán nguội. Vì thế, việc giá thép nguyên liệu tăng được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp thép "dễ thở" hơn.