Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp gia tăng giá trị nông sản

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp gia tăng giá trị nông sản

Gia tăng tỷ trọng kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực đặc thù, hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất băn khoăn với câu hỏi có nên ứng dụng chuyển đổi số hay công nghệ thông tin vào hoạt động của mình.

Chưa bao giờ là muộn

DHL có thể là một ví dụ để trả lời câu hỏi này. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, đã chuyển đổi số từ rất lâu, nhờ vậy họ tiết kiệm chi phí, thời gian giao hàng, tạo lòng tin ở khách hàng. Khách hàng có thể kiểm tra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày hàng hóa của họ đang ở đâu, thời gian ước tính tốt nhất để nhận được hàng.

Hiện nay, chi phí logistic chiếm khoảng 20% tổng chi phí của doanh nghiệp, nhưng nhờ chuyển đổi số, nhiều nước đã tối ưu xuống còn 10%. Bởi vậy, dư địa để ngành logistic thay đổi còn rất lớn.

Với các nhà thầu xây dựng, vốn có nhiều dữ liệu từ mua hàng, nhà cung cấp, nhân viên…, khi đẩy tất cả dữ liệu này vào trung tâm dữ liệu và phân tích, doanh nghiệp có thể quản lý được chi phí và rủi ro liên quan đến mua bán hàng hóa…

Đây là mô hình hữu dụng ở Công ty cổ phần Cotecons (mã chứng khoán CTD) và đang được Tổng công ty Vinaconex (mã chứng khoán VCG) triển khai.

Ngành xây dựng có nhân viên trải khắp các công trường, với nhiều trình độ, thói quen làm việc khác nhau, chuỗi cung ứng không ổn định, nỗi lo thất thoát là thường trực.

Làm thế nào tối ưu được năng suất lao động của nhân viên ở khắp nơi như thế luôn là bài toán doanh nghiệp phải tính đến và tìm lời giải.

Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp kinh doanh nội thất triển khai kênh bán hàng online, áp dụng công nghệ 3D để khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm từ xa, mà không cần đến show room.

“Cần phải sử dụng công nghệ để làm sao đưa sản phẩm của chúng ta đến với khách hàng một cách nhanh nhất và gần gũi nhất”, ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Gia, nhà sản xuất gạch bông lớn thứ hai Việt Nam chia sẻ.

Trong 2 năm gần đây, Lộc Trời nghiên cứu và đưa công nghệ Digital Farming và IAP vào ứng dụng trong quy trình sản xuất gạo nhằm đưa hạt gạo Việt Nam trở thành loại gạo ngon nhất thế giới.

Trong 2 năm gần đây, Digital Farming và IAP là những ứng dụng công nghệ được Công ty cổ phần Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) nghiên cứu và tập trung đầu tư để đưa vào ứng dụng trong quy trình sản xuất gạo nhằm đưa hạt gạo Việt Nam trở thành loại gạo ngon nhất trên thế giới.

Không những thế, nó còn là công cụ để quản lý tốt việc truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu các tài nguyên thiên nhiên phải sử dụng cho quy trình trồng và sản xuất gạo như nước tưới, đất trồng, tối ưu hóa hiệu suất.

Doanh nghiệp cũng đang hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để triển khai công nghệ Digital Farming trong nông nghiệp.

Nông nghiệp Việt Nam nếu làm tốt được IAP, Digital Farrming, truy xuất theo từng địa chỉ nguồn gốc sẽ giúp tăng giá trị hàng nông sản xuất khẩu. Ví dụ như cà phê, hạt tiêu và cả lúa gạo, cứ 1 tấn tăng ít nhất từ 30 - 100 USD.

Mỗi năm, Việt Nam sản xuất 42 triệu tấn lúa, mỗi tấn thêm 30 USD thì sẽ gia tăng giá trị rất lớn cho nông dân và doanh nghiệp như ước tính của ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Lộc Trời.

“Những doanh nghiệp càng nhỏ, chuyển đổi số càng dễ và sẽ thấy được hiệu quả ngay. Mình sẽ vận dụng làm thử, thất bại thì làm lại ngay, biến rủi ro thành cơ hội. Các doanh nghiệp nhỏ nên đi trước đón đầu, bắt đầu từ những thứ rất nhỏ sau này mình lớn mạnh, có thể nhân rộng ra”, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ FPT IS khuyến nghị và nhấn mạnh rằng, mô hình của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải hướng đến tối đa hóa lợi nhuận.

Lùi lại để thay đổi

Khi ý chí và tư duy đã sẵn sàng, doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ đâu? Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam khi đề cập đến vấn đề này nói rằng, cần phải làm rõ được doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào?

Trước khi nói đến câu chuyện gia tăng hiệu suất, doanh nghiệp cần lùi lại một bước để xem mình đang ở đâu, quay lại để xem mục tiêu đạt được không, cần tập trung lĩnh vực nào, thị trường nào, thước đo nào để thực hiện được chiến lược.

Có những doanh nghiệp tập trung đi ra thị trường với mức giá rẻ nhất, thời gian nhanh nhất. Nhưng cũng có những doanh nghiệp tập trung vào khách hàng, thông qua những trải nghiệm khách hàng, để khách hàng trung thành quay trở lại.

Có những doanh nghiệp lại tập trung vào yếu tố sáng tạo, sản phẩm mới, dịch vụ mới, thị trường mới. Sẽ có nhiều lựa chọn về hướng đi, chẳng hạn trong bối cảnh khó khăn đầu ra như hiện nay, doanh nghiệp nên suy nghĩ làm thế nào để có thể giảm thiểu được nguồn lực đầu vào. Hoặc cũng có doanh nghiệp chọn đi thật nhanh, đánh nhanh thắng nhanh.

Có 4 yếu tố bị ảnh hưởng trong bối cảnh Covid-19 đã được thống kê là gây mất cân bằng cung cầu toàn diện, suy giảm thanh khoản và khủng hoảng tài chính, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi môi trường làm việc. Các giải pháp chuyển đổi số của doanh nghiệp đều phải góp phần giải được những thách thức này.

Dẫu vậy, một khảo sát của IDC cho thấy, 70 - 80% doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi số.

Ông Việt cho rằng, nguyên nhân bắt đầu từ người đứng đầu, họ nghĩ câu chuyện chuyển đổi số là việc của các giám đốc điều hành, giám đốc công nghệ, giám đốc tài chính…, chứ không cho rằng chuyển đổi số là thay đổi từ tư duy ông chủ. Chỉ khi những người cao nhất trong doanh nghiệp thay đổi, nhân viên mới không ngại thay đổi, mới nhìn thấy được lợi ích từ sự thay đổi.

“Có những công ty chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong kinh doanh dẫn tới công ty không biết làm thế nào để số hóa, số hóa ở đâu. Chủ doanh nghiệp luôn có câu hỏi tại sao phải số hóa, đầu tư 10 đồng tôi được bao nhiêu đồng”, các chuyên gia của Deloitte kể và cho biết thêm lý do các doanh nghiệp Việt Nam quản trị kém là văn hóa thường xuyên không tuân thủ, các hệ thống văn bản ban hành theo sự vụ, không có hệ thống, không tạo được sự chủ động. Quy trình nghiệp vụ không đủ chi tiết nên không biết tác nghiệp với nhau, phối hợp giữa các phòng ban, dẫn đến giảm năng suất lao động.

Một con số đáng chú ý trong kết quả điều tra năm 2018 của Bộ Công Thương, tỷ lệ doanh nghiệp mới gia nhập trào lưu cách mạng 4.0 chiếm tới 82% số doanh nghiệp, nhưng có tới 16/17 ngành tham gia khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp dù phần lớn có ý thức “số hóa” trong ngành, lĩnh vực mà mình đang hoạt động.

Nghiên cứu của Deloitte chỉ ra rằng, sự thành công của chiến lược phải đến từ tất cả cán bộ nhân viên, từ cấp cao cho đến cấp thấp, tạo ra văn hóa của doanh nghiệp là lúc nào cũng tiên phong, tiến ra thị trường.

Các chuyên gia thực hiện nghiên cứu này có cái nhìn khá lạ khi cho rằng Covid-19 không phải là một đại dịch mà là một thiên sứ được cử đến với câu hỏi: Trong tình huống tệ nhất, doanh nghiệp có thể làm gì để tồn tại, phát triển, tăng trưởng đột phá?

Tín hiệu từ chính sách vĩ mô

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển 2020 tuần qua, Tiến sỹ Dương Nguyên Vũ, giảng viên Đại học Công nghệ Nanyang cho biết, các ứng dụng công nghệ mới như điện toán đám mây, block chain, trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế, định hình lại cách thức hàng hóa, dịch vụ được sản xuất và tiêu thụ, tác động tới thương mại và đầu tư, dẫn đến sự chuyển dịch kinh tế.

Trong khi đó, Tiến sỹ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Tập đoàn Vingroup cho rằng, AI có khả năng tăng năng suất một cách triệt để trong các ngành công nghiệp và tạo ra các giải pháp hoàn toàn mới cho các vấn đề chưa được giải quyết.

Theo ông Hưng, đây chính là đáp số cho các bài toán nan giải của Việt Nam hiện nay như giao thông đô thị, y tế, giáo dục, sản xuất, bảo mật thông tin, sinh trắc học, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trên trường quốc tế khi làm chủ công nghệ mới.

Đầu tháng 9 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO) đã ghi nhận Việt Nam ở vị trí thứ 42 trên 131 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Những đánh giá như trên cho thấy, tiến trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam bước đầu có kết quả tích cực.

Chia sẻ tại Diễn đàn trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam coi đây là động lực mạnh mẽ cho chiến lược phát triển trong 10 năm tới, trong đó tập trung vào hai hạng mục cốt lõi là định danh điện tử và chiến lược chuyển đối số quốc gia.

Một trong những hợp phần quan trọng sẽ được tập trung triển khai thực hiện tới đây là phát triển doanh nghiệp số. Lấy hạt nhân nòng cốt là đội ngũ doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện thành công việc chuyển đổi số, Chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu tham vọng trong giai đoạn từ nay đến 2025 và tầm nhìn 2030.

Đó là nâng tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành và lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7% và đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin và chỉ số cạnh tranh, lọt vào nhóm 35 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo.

Tin bài liên quan