Gia tăng nỗi lo vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại châu Á

Gia tăng nỗi lo vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại châu Á

(ĐTCK) Từ các tập đoàn Trung Quốc lớn cho tới doanh nghiệp khai thác mỏ tại Indonesia, các công ty tại châu Á đang đối diện với áp lực tài chính ngày càng gia tăng, khiến việc vỡ nợ trái phiếu nhiều khả năng sẽ leo dốc trong năm 2020.

Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng

Theo số liệu tổng hợp từ Bloomberg, 1/3 số lượng nợ trái phiếu chuẩn bị đến hạn, tương đương 15,1 tỷ USD, có nguy cơ sẽ không thể được hoàn trả cho nhà đầu tư khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối diện với khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh do tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại, USD tăng giá khiến các khoản nợ bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn.

Chưa kể, lãi suất trái phiếu phát hành bằng USD có thể lên tới 15%/năm, khiến áp lực trả nợ nặng nề hơn bao giờ hết.

“Dễ nhận thấy thị trường trái phiếu bằng USD tại châu Á đang chịu nhiều gánh nặng”, Darryl Flint, Giám đốc Ðầu tư tại Quỹ đầu tư Double Haven Capital (Hồng Kông) nhận định.

Theo dự báo của Goldman Sachs Group Inc, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao tại châu Á trong năm 2020 sẽ ở mức 3%, so với con số 1,7% tính từ đầu năm tới nay. Thực tế, nhà đầu tư đã bắt đầu tỏ ra lo ngại về các rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp tại châu Á trong năm nay, nhưng xu hướng vỡ nợ trái phiếu sẽ còn tiếp diễn, tạo nhiều rủi ro cho thị trường vốn khu vực này.

Ðáng chú ý, theo báo cáo của Goldman Sachs, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm tới sẽ phụ thuộc nhiều vào việc giới chức Trung Quốc chấp nhận gỡ bỏ một số biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước tại đây hay không.

Nếu điều này xảy ra, khối doanh nghiệp nhà nước tại Ðại lục sẽ cần vật lộn để tồn tại trong bối cảnh khu vực này sở hữu khối lượng nợ khổng lồ.

Bên cạnh đó, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, xung đột thương mại Mỹ - Trung đang phủ bóng đen lên hoạt động sản xuất - kinh doanh tại châu Á, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ Ðại lục tại các ngành công nghiệp sản xuất.

“Tại Ấn Ðộ, lĩnh vực tài chính phi ngân hàng sẽ chứng kiến nhiều ‘nỗi đau’ thời gian tới”, Manjesh Verma, người đứng đầu bộ phận tín dụng đặc biệt châu Á tại Citigroup Inc nhận định.

Mối lo tại Trung Quốc

8,6 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc phát hành tại thị trường nước ngoài sẽ đến hạn trong năm 2020 với lãi suất từ 15%/năm trở lên, theo thống kê của Bloomberg. Các trái phiếu này đã được xếp vào nhóm tài sản xấu, bởi đa phần do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn phát hành.

Trong bối cảnh này, các nhà quản lý quỹ đã bắt đầu có hành động giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tại các doanh nghiệp đối diện nhiều rủi ro.

Các quỹ đầu tư tập trung vào tài sản mang lại lợi suất cao tại thị trường châu Á chứng kiến dòng tiền rút ra gần 3% trong tháng 8/2019, theo Morgan Stanley.

Thực tế, đa phần các tài sản này là do các nhà phát hành tại Trung Quốc cung cấp cho thị trường.

Ðáng chú ý, trong số 25 doanh nghiệp đang đối diện với các khoản nợ trái phiếu lớn sẽ tới hạn năm 2020, có 10 nhà phát triển bất động sản.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản đang sở hữu 30 tỷ USD các khoản nợ USD sẽ tới hạn năm 2020, khiến thị trường càng trở nên lo lắng con số vỡ nợ sẽ còn cao hơn nữa, bởi giới chức Ðại lục tiếp tục chính sách kiềm chế đà tăng của giá nhà, kiểm soát lạm phát.

Theo nghiên cứu của Morgan Stanley, các khoản nợ bằng USD với lãi suất cao của doanh nghiệp Trung Quốc đối diện rủi ro vỡ nợ cao hơn so với các doanh nghiệp khác tại châu Á.

Một phần lý do xuất phát từ việc đây đa phần là các khoản nợ ngắn hạn, với thời hạn khoảng 2,5 năm.

Tin bài liên quan