Doanh thu từ xuất khẩu cà phê tăng vọt trong 2 tháng đầu năm, mang về 1,38 tỷ USD.
Xuất khẩu cà phê đang có nhiều thuận lợi do nguồn cung cà phê trên thị trường toàn cầu hạn chế, giá xuất khẩu nhờ đó cải thiện đáng kể.
Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 438.000 tấn cà phê, trị giá khoảng 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả này đã đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam lập kỷ lục mới, vượt qua mốc 1 tỷ USD trong vòng chỉ hai tháng đầu năm.
Đặc biệt, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 2 tăng ấn tượng, đạt 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 50,6% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng, giá xuất khẩu bình quân của cà phê Việt Nam đạt mức 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt chủng loại cà phê xuất khẩu, Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trong việc xuất khẩu cả hai loại cà phê chính là Robusta và Arabica. Sự tăng trưởng này không chỉ thể hiện qua lượng mà còn qua giá trị, đặc biệt là với cà phê nhân Robusta chiếm gần 1,84 tỷ USD, Arabica hơn 56,62 triệu USD, và cà phê đã khử caffeine gần 3,2 triệu USD.
Đáng chú ý, cà phê chế biến, bao gồm rang xay và hòa tan, đã đóng góp hơn 401 triệu USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê robusta thế giới tiếp tục tăng trong tháng 2 và duy trì ở mức cao nhất trong 30 năm. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu cũng thiết lập cột mốc kỷ lục mới.
Giá cà phê thế giới được tổng hợp và theo dõi bởi ICO (I-CIP) đạt trung bình 182 US cent/pound trong tháng 2, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được trong 17 tháng trở lại đây, dao động trong khoảng 177,5 - 187,1 US cent /pound.
Trong đó, giá cà phê robusta tiếp tục tăng 3,2% so với tháng trước lên mức bình quân 153,3 US cent/pound, mức cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 11/1994.
Tương tự, giá cà phê arabica Colombia và arabica khác cũng tăng lần lượt 1,9% và 2,7%, đạt 209,5 US cent/pound và 208,8 US cent/pound. Arabica Brazil là nhóm có biến động mạnh nhất khi tăng 4,1% lên mức trung bình 186,7 US cent/pound.
Báo cáo của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tăng tới 47,1% trong tháng 1 lên gần 5,1 triệu bao.
Chủ yếu là do xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng 66% lên hơn 4 triệu bao. Đây là khối lượng xuất khẩu hàng tháng lớn nhất từng được ghi nhận, vượt qua kỷ lục cũ là 3,6 triệu bao đạt được vào tháng 3/2022.
Trước đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam từ đầu quý IV niên vụ 2022-2023 đến tháng 11 chỉ đạt 6,9 triệu bao, giảm mạnh 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do vụ thu hoạch dưới mức trung bình dẫn đến tình trạng nguồn cung trong nước bị thắt chặt và sau đó trở nên trầm trọng hơn khi nông dân giữ lại cà phê với kỳ vọng giá cao hơn.
Giá cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam đã tăng lên mức trung bình 61.000 đồng/kg vào giữa tháng 11/2023 từ 41.000 đồng/kg vào đầu tháng 12/2022. Đến đầu năm 2024, giá đạt 70.000 đồng/kg và tăng lên 80.000 đồng/kg vào ngày 15/2.
Theo ICO, giá cà phê tăng cao cùng với việc người nông dân tích cực bán ra trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được cho là yếu tố chính khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024.
Năm ngoái, Việt Nam đã lập kỷ lục với xuất khẩu cà phê khi xuất bán thành công 1,61 triệu tấn, trị giá 4,2 tỷ USD. Cà phê xếp top 5 trong nhóm hàng ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất năm.
Mặc dù so với năm 2022, sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 9,6%, nhưng nhờ giá xuất khẩu được cải thiện, nên ngoại tệ mang về tăng 3,1%. Giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 2.834 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023. Dù sản lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch có thể vẫn bứt phá. Dự kiến xuất khẩu cà phê có thể vượt 4,6 - 5,0 tỷ USD.