Gia tăng hợp tác nội - ngoại trong thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
Quan điểm quan trọng của Đề án Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài là đảm bảo hài hòa giữa thu hút nhà đầu tư lớn và nhỏ, ưu tiên kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Nestlé vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam.

Nestlé vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam.

Hài hòa “lớn” - “nhỏ”

Dự thảo Đề án Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin chi tiết về Dự thảo chưa được tiết lộ, song sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ cách đây ít ngày để thảo luận về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo quan trọng.

Theo đó, về mục tiêu, cần thể hiện rõ hơn yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện của công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Về quan điểm, cần thể hiện rõ hơn một loạt yêu cầu, trong đó có việc thu hút đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, hài hòa giữa thu hút nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư nhỏ, ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý tiên tiến...

Từ sau khi Việt Nam tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyện “xây tổ đón đại bàng” đã được nhắc đến rất nhiều. Cần đón “đại bàng”, bởi cho đến nay, mới chỉ có khoảng 100 tập đoàn trong danh sách Fortune 500 có mặt tại Việt Nam. Để đón “đại bàng”, Việt Nam đã sẵn sàng chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, bao gồm việc đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt và cho phép các tập đoàn lớn có thể “mặc cả” ưu đãi dựa trên các tiêu chí mà Chính phủ đã đưa ra.

“Việt Nam đang có cơ hội đón dòng đầu tư thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung của các nước đối tác lớn và của các tập đoàn đa quốc gia”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhiều lần khẳng định điều này.

Thực tế, sau khi đón hàng loạt tập đoàn lớn thuộc “thế hệ thứ nhất”, như Honda, Unilever, Samsung, Intel, LG, Foxconn, những tên tuổi lớn và mới xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam, như Luxshare, Pegatron, Winston... và mới đây là LEGO, với dự án 1,3 tỷ USD. 3 tháng đầu năm nay, cũng có nhiều dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư, như dự án 920 triệu USD của Samsung Electro-mechanics, hay dự án 306 triệu USD của Goertek (Hồng Kông)...

“Chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực. Chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam”, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam nói.

Năm ngoái, Nestlé đã quyết định đầu tư thêm 132 triệu USD trong 2 năm để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và để trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và Australia.

Thu hút “ông lớn” là rất quan trọng, song nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh “đại bàng”, cũng không thể quên “chim sẻ”. Và bây giờ, quan điểm của Chính phủ đã rất rõ ràng rằng, phải “hài hòa giữa thu hút nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư nhỏ”.

35 năm qua, bức tranh thu hút FDI của Việt Nam hầu hết được vẽ lên bởi các doanh nghiệp nhỏ, dự án nhỏ và vừa. Nhiều hệ sinh thái, như của các ngành sản xuất ô tô hay điện tử, cũng đều được hình thành bởi các nhà cung cấp theo chân Samsung, Honda, Panasonic... vào Việt Nam. Vào thời điểm các năm 2009-2011, khi Samsung liên tục gia tăng đầu tư lớn vào Việt Nam, hàng trăm nhà đầu tư ngoại đã “vì Samsung mà đến”, với vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD.

Gia tăng hợp tác nội - ngoại

Phát triển hàm lượng giá trị gia tăng trong nước, gắn liền việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cũng là một trong những định hướng quan trọng của Dự thảo Đề án Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Đây là một nội dung quan trọng, nhằm cụ thể hóa định hướng chiến lược của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Một câu chuyện không mới, nhất là kể từ sau khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, chuyện nâng cao giá trị gia tăng, chuyện tăng cường kết nối nội - ngoại được nhắc đến rất nhiều.

Một báo cáo gần đây được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho biết, mối liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn đang là hạn chế lớn nhất trong thu hút và sử dụng vốn FDI. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam bình quân chỉ ở mức 20-25%, trong đó, dệt may, da giày ở mức 40-45%; điện tử gia dụng 30-35%; lắp ráp ô tô cá nhân chỉ 7-10%.

Không nhiều nhà đầu tư nước ngoài làm được như Honda hay Samsung trong việc kéo doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị của mình. Samsung, bắt đầu từ năm 2015, đã tổ chức các chương trình tư vấn cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp, nhằm “kết nạp” thêm thành viên vào chuỗi cung ứng. Thậm chí, để lan tỏa rộng rãi chương trình này, Samsung còn tổ chức các chương trình bồi dưỡng các chuyên gia tư vấn Việt Nam để có thể chủ động tư vấncải tiến sản xuất cho doanh nghiệp Việt.

Thông tin từ ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2021, Samsung đã tư vấn cải tiến cho 379 doanh nghiệp. Nhờ nỗ lực này, số lượng các nhà cung ứng cho Samsung là doanh nghiệp Việt cũng gia tăng nhanh chóng.

“Nếu như năm 2014, chúng tôi chỉ có 4 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1, thì đến hết năm 2021, đã có 51 doanh nghiệp cấp 1 và 203 doanh nghiệp cấp 2. Đó là kết quả của quá trìnhnhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam”, ông Choi Joo Ho nói.

Là một vấn đề quan trọng, nên khi dự thảo 7 tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới để trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh đến tiêu chí “tính liên kết và tác động lan tỏa”. Theo đó, tiêu chí có doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi được xác định trên các điều kiện như tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số doanh nghiệp tham gia và thực hiện hợp đồng lắp ráp, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, dịch vụ để sản xuất ra sản phẩm; tỷ lệ giá thành sản phẩm được tạo ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị.

Các chính sách ưu đãi đầu tư thỏa đáng cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam theo chuỗi, cũng như tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt cũng đang được xây dựng.

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2018 là 36,3%, trong khi ở Trung Quốc là 70% và Thái Lan là 60%. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, liên kết nội - ngoại lỏng lẻo khiến hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chưa được như kỳ vọng.

Tin bài liên quan