Khẳng định trước các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, tư lệnh ngành ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và xử lý vi phạm về sở hữu chéo thông qua nhiều giải pháp như yêu cầu chuyển nhượng bớt cổ phần, thoái vốn khỏi các tổ chức tín dụng.
Nhờ đó đến nay, tình hình sở hữu chéo đã được giải quyết cơ bản, giúp các ngân hàng hoạt động minh bạch và mang tính đại chúng hơn. Các cổ đông, nhóm cổ đông thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát và đã giảm mạnh.
Ðể minh chứng cho nhận định trên của mình, Thống đốc dẫn ra nhiều con số. Theo đó, hiện không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% cổ phần tại ngân hàng. Số cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp nhau giảm từ 7 cặp năm 2012 xuống còn 2 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp năm 2012, còn 2 cặp…
Dẫu vậy, kết quả xử lý sở hữu chéo mới chỉ là bước đầu, bởi trên thực tế quá trình này đang bộc lộ không ít hạn chế và thách thức. Ðiều này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thẳng thắn thừa nhận: thực tiễn cho thấy, sở hữu chéo là một vấn đề phức tạp, khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp nhờ người đứng tên hộ. Do đó đòi hỏi phải thanh, kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng và điều tra thì mới phát hiện sở hữu chéo.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xử lý sở hữu chéo đang gặp thách thức do quá trình thoái vốn của các cổ đông còn khó khăn, bởi chưa tìm được đối tác nhận chuyển nhượng phần vốn đầu tư vào ngân hàng, nhất là trong bối cảnh năng lực vốn của nhà đầu tư hạn chế. Việc thúc ép thoái vốn đầu tư ngoài ngành quy mô lớn trong thời gian ngắn, có thể gây tổn thất cho chính các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư vào các ngân hàng.
Ðể tiếp tục thúc đẩy quá trình xử lý tình trạng sở hữu chéo, giảm thiểu phát sinh các rủi ro cho an toàn hệ thống ngân hàng, ngoài việc cần tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát về góp vốn, sở hữu, mua và bán cổ phần của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần kiên quyết xử lý các vi phạm về sở hữu chéo, quyết liệt yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xây dựng đề án cơ cấu lại, trong đó có lộ trình khắc phục triệt để vi phạm về sở hữu cổ phần của các cổ đông.
Hiện tại, một số công cụ mới đang được kỳ vọng sẽ góp phần giúp cho quá trình xử lý sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng đạt kết quả sắc nét hơn trong thời gian tới. Tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, đang trình Quốc hội xem xét thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 4 này, cơ quan soạn thảo đã đề xuất quy định một số nội dung mới.
Theo đó sẽ bổ sung quy định làm rõ khái niệm người có liên quan; tăng thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước trong kiểm soát nhóm cổ đông và cổ đông lớn; quy định chức danh HÐQT, hội đồng thành viên theo hướng chặt chẽ hơn…
Một khi dự thảo luật này được Quốc hội thông qua, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm công cụ để thúc đẩy xử lý sở hữu chéo hiệu quả hơn cả về lượng và chất, qua đó góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, lành mạnh.