Dự báo năm 2023 sẽ có nhiều thương vụ M&A bất động sản. Trong ảnh: Khách sạn Wyndham Hanoi Golden Lake đang rao bán.

Dự báo năm 2023 sẽ có nhiều thương vụ M&A bất động sản. Trong ảnh: Khách sạn Wyndham Hanoi Golden Lake đang rao bán.

Gia tăng cơ hội M&A bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước khan hiếm và hàng loạt dự án bị bán tháo, các nhà đầu tư theo đuổi mua bán - sáp nhập (M&A) dự án đang có cơ hội lớn.

Làn sóng chuyển nhượng đang tới

Ông Nguyễn Hữu Đường, chủ khách sạn dát vàng Wyndham Hanoi Golden Lake gần đây rao bán rộng rãi khách sạn này với giá khởi điểm 250 triệu USD. Ông Đường cho biết, đã có một số nhà đầu tư Trung Quốc, Ấn Độ, UAE quan tâm đàm phán giá cả và các điều kiện mua lại.

Được biết, dự án này được khánh thành vào tháng 7/2020 và là khách sạn dát vàng đầu tiên tại Hà Nội, với vốn đầu tư 100 triệu USD.

Không chỉ ông Đường, mà nhiều chủ khách sạn khác ở Việt Nam cũng đang sẵn sàng bán tài sản để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh trong giai đoạn thị trường bất động sản đầy sóng gió. Hàng trăm khách sạn hiện được rao bán tại Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu do thua lỗ sâu.

Bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển khi du lịch đang dần phục hồi, nhu cầu đi lại và nghỉ dưỡng tăng cao từ cả khách du lịch trong nước lẫn quốc tế. Ông Morgan Ulaganathan, Trưởng bộ phận Dịch vụ tài sản & Tư vấn du lịch - Khách sạn, Colliers Việt Nam cho biết, các bên tham gia thị trường đã có những nước đi táo bạo kể từ lúc cao điểm Covid-19 đến nay.

Ông Peter Chi Lok Woo, Chủ tịch MAA Capital cho rằng, năm 2023, khi lạm phát và lãi suất gia tăng, suy thoái lan rộng khắp thế giới sẽ mang đến nhiều thách thức hơn. Song, điều này cũng mở ra cơ hội cho M&A, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Việc khan hiếm nguồn vốn cũng là tiền đề cho nhiều thương vụ M&A được xúc tiến hơn, thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có vốn mạnh và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

“Lãi suất tuy trên đà tăng, nhưng rồi sẽ ổn định trở lại. Các quỹ đã và đang gọi vốn để đầu tư vào những tài sản khách sạn ở thời điểm có mức định giá thuận lợi, trước khi doanh thu khách sạn hồi phục hoàn toàn”, ông Ulaganathan nhận định.

Chẳng hạn, KKR đã huy động 4,3 tỷ USD ngay giữa cao điểm Covid-19. Bain cũng đã mua lại khách sạn riêng lẻ hay theo hệ thống, có hoặc chưa có thương hiệu. Blackstone cho rằng mức độ hiện diện trong ngành khách sạn của họ đang ở mức thấp kỷ lục, vào khoảng 12%, nên đang mong muốn danh mục đầu tư của mình lớn hơn. Warburg Pincus tiếp tục đầu tư vào Việt Nam thông qua nền tảng Lodgis.

Đồng quan điểm, ông Leong Boon Hoe, Giám đốc điều hành Arcadia Consulting Việt Nam khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang hướng sự chú ý đến Việt Nam.

“Đây là thời điểm tuyệt vời để tiến hành M&A, đặc biệt đối với các tài sản đang gặp khó khăn”, ông Leong Boon Hoe nói.

Đầu tháng 3, Frasers Property Việt Nam đã công bố hợp tác với công ty đầu tư đa ngành Gelex Group để phát triển danh mục đầu tư bất động sản công nghiệp và nâng cao sự hiện diện của mình tại miền Bắc. Tổng vốn đầu tư cho danh mục này khoảng 250 triệu USD.

Trước đó, vào tháng 1, Tập đoàn ESR đã mua lại cổ phần chiến lược trong Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW. Thỏa thuận này là một phần trong đợt huy động vốn sơ cấp lớn hơn của BW lên tới khoảng 450 triệu USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2/2023, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai trong các lĩnh vực thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nicholas Michaux, Giám đốc Alpha Prime Hong Kong nhận xét, thị trường hiện có cả ưu và nhược điểm.

“Lãi suất cao, tín dụng bị thắt chặt và sự tăng giá sản phẩm trên thị trường có thể khiến các nhà đầu tư và người mua tạm dừng các khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, những người khác có thể sẽ coi sự thu hẹp của thị trường bất động sản là cơ hội để có được các lựa chọn với mức giá phù hợp hơn. Các nhà quản lý dự án và nhà đầu tư có thể sử dụng tiền mặt của họ thay vì đi vay sẽ có một điểm khởi đầu tốt để mua và định vị mình trên thị trường”, ông Michaux phân tích.

Sẽ thêm các giao dịch M&A

Theo các nhà nghiên cứu thị trường, với những biến động hiện nay, số thương vụ từ các doanh nghiệp nước ngoài mua lại dự án tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2023.

Hầu hết các thỏa thuận đã được đàm phán kể từ khi bị gián đoạn do đại dịch gây ra, cũng như đạt được thỏa thuận chính vào năm 2022.

Một báo cáo của KPMG công bố cuối năm 2022 cho thấy, bất động sản cùng với một số nhóm ngành nổi bật như tiêu dùng, công nghiệp, năng lượng, tiện ích công cộng tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Báo cáo này chỉ ra rằng, động lực chính của bất động sản đến từ sự gia tăng liên tục của nhu cầu về bất động sản văn phòng và khu công nghiệp. Sự phục hồi về niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng, được thúc đẩy bởi dân số đông, tầng lớp trung lưu gia tăng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

“Lạm phát và lãi suất rồi sẽ điều chỉnh về mức hợp lý, qua đó khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2023”, báo cáo viết.

Ông Ong Tiong Hooi, Phó tổng giám đốc, Dịch vụ Tư vấn thương vụ và Thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam chỉ ra, cùng với xu hướng toàn cầu, M&A tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, thị trường còn khá cẩn trọng. Sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện.

“Việt Nam đang chứng kiến nhiều giao dịch mua bán dự án xuất hiện gần đây, bao gồm cả việc thu hẹp lĩnh vực hoạt động, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, thoái vốn chiến lược khỏi các tập đoàn trong nước khi nhà đầu tư tìm cách cân bằng dòng tiền, giao dịch mua bán và cổ phần để mở rộng đầu tư, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á, bất chấp các căng thẳng địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng trong khu vực”, đại diện PwC Việt Nam nói.

Tin bài liên quan