Bão hòa
Tín hiệu bão hòa tại thị trường vận tải hàng không nội địa đang ngày một rõ nét.
Theo thống kê mới nhất về tổng quan thị trường vừa được Cục Hàng không Việt Nam gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tính đến ngày 20/12/2019, đã có khoảng 116,2 triệu lượt hành khách qua lại các cảng hàng không trong năm 2019, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018.
5 hãng hàng không Việt Nam là Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA), Công ty Bay dịch vụ hàng không, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJA) và Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã vận chuyển được 55 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đạt 37,3 triệu lượt, tăng 11,7% so với năm 2018. Tốc độ tăng trưởng này là thấp hơn nhiều so với dự báo của cả các hãng hàng không và cơ quan quản lý chuyên ngành (khoảng 15%).
Trên thực tế, thị trường hàng không nội địa đã có dấu hiệu bão hòa từ năm 2017, khi tốc độ tăng trưởng lần đầu tiên tụt xuống 1 con số (9,1%) sau khi ghi nhận sự bùng nổ về lượng khách trong giai đoạn 2013 - 2016, trong đó, phân khúc hàng không giá rẻ có lúc tăng trưởng hơn 40%/năm.
Ở góc độ cuộc đua giành thị phần, mặc dù đã có trọn một năm tham gia vào thị trường hàng không, nhưng thị phần của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) chưa thực sự tạo được sự đột phá lớn. Cụ thể, tính trong cả năm 2019, Bamboo Airways chỉ chiếm 0,1% thị phần vận chuyển khách quốc tế và 6,5% thị phần hành khách nội địa.
Thị trường hàng không nội địa đã có dấu hiệu bão hòa từ năm 2017, khi tốc độ tăng trưởng lần đầu tiên tụt xuống 1 con số
Cũng giống như 3 - 4 năm trở lại đây, thị trường vận tải khách nội địa vẫn đang chứng kiến cuộc đua song mã giữa hai ông lớn là Vietnam Airlines và VJA. Hãng hàng không thế hệ mới của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo kết thúc năm 2019 với vị trí số 1 tại thị trường nội địa với 41,7% thị phần. Tuy nhiên, so với Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines nắm 36,3%, JPA nắm 13,7% và OV nắm 1,8%), Hãng hàng không Vietjet vẫn kém khoảng 10 điểm phần trăm, tuy đã có vài thời điểm vượt cả nhóm này.
Sau hơn 1 năm dịch chuyển cung tải từ nội địa sang quốc tế, thị phần vận chuyển hành khách quốc tế của VJA trong năm 2019 đã đạt 18,4%, chỉ kém đơn vị dẫn đầu là Vietnam Airlines 3%. Đây là sự cố gắng lớn của 2 hãng hàng không Việt Nam trong bối cảnh phải cạnh tranh với khoảng 80 hãng hàng không quốc tế, trong đó có nhiều thương hiệu lớn.
Cung tải tăng mạnh
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam chưa đưa ra dự báo về tăng trưởng, nhưng áp lực cạnh tranh để giành và giữ thị phần nội địa giữa các hãng hàng không trong năm 2020 được dự báo là rất căng thẳng.
Cụ thể, cung tải thị trường hàng không năm 2020 tăng rất mạnh so với năm 2019. Vào tháng 12/2019, quy mô đội tàu bay của VJA đạt 80 chiếc, trong khi đó, sau khi đạt mốc 100 tàu bay (tháng 10/2019), Vietnam Airlines dự kiến đón thêm 5 tàu bay thân rộng Boeing787-10 trong 12 tháng tới.
Tuy nhiên, tăng trưởng đội tàu bay mạnh nhất trong vòng 6 tháng qua thuộc về Bamboo Airways. Từ quy mô 6 chiếc A320/321 vào tháng 6/2019, hiện hãng hàng không này đã tăng lên 24 chiếc vào cuối năm 2019, trong đó có 1 chiếc
Boeing 787-9. Ông Eddy Doyle, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, đội bay của Bamboo Airways dự kiến tiến tới con số 100 máy bay vào năm 2025, vận chuyển 50 triệu lượt khách/năm.
“Trên những nền tảng này, Bamboo Airways đang tăng tốc tiến tới mục tiêu 30% thị phần hàng không nội địa vào năm 2020, mở rộng quy mô mạng bay lên 85 đường bay đến năm 2020, trong đó có 60 đường bay nội địa và 25 đường bay quốc tế”, lãnh đạo Bamboo Airways nói.
Trên thực tế, không dễ để Bamboo Airways cụ thể hóa tham vọng này, khi vào nửa cuối năm 2020, thị trường hàng không sẽ đón thêm 3 cánh bay mới là Vinpearl Air, Vietravel Airlines và Kite Air dự kiến khai thác khoảng 15 tàu bay.
Bên cạnh đó, những bất cập về hạ tầng hàng không, đặc biệt tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất đang khiến các hãng hàng không gặp khó khăn trong việc mở rộng dư địa thị trường khách nội địa.
“Miếng bánh slot chia cho các hãng tại Tân Sơn Nhất chỉ có 44 chuyến/giờ, trong khi chúng tôi thường xuyên nhận được yêu cầu rất lớn của các địa phương là phải tăng tải. Ngoài việc khó mở thêm đường bay mới hay tăng tần suất từ điểm cầu Tân Sơn Nhất, áp lực với các hãng mới và cũ là rất lớn khi hãng nào khi ra đời cũng đều nhắm đến đường bay này”, ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet cho biết.
Sự gia tăng mạnh về cung tải trên thị trường vận tải hàng không nội địa kéo theo cuộc đua về giá và khuyến mãi đang khiến lợi nhuận từ ngành nghề kinh doanh cốt lõi tại thị trường nội địa của một số hãng gần như bằng 0. Trên thực tế, các hãng hàng không trong nước đều phải bù đắp bằng những chuyến bay chater quốc tế hay lợi nhuận từ nghiệp vụ tài chính bán và thuê lại tàu bay, lợi nhuận từ các lĩnh vực kinh doanh phụ trợ khác.