Mùa Đông lạnh giúp giá dầu thô tăng mạnh qua đó tác động tích cực lên thị trường chứng khoán toàn cầu (Ảnh minh họa: internet)

Mùa Đông lạnh giúp giá dầu thô tăng mạnh qua đó tác động tích cực lên thị trường chứng khoán toàn cầu (Ảnh minh họa: internet)

Giá rét cứu vãn thị trường tài chính toàn cầu

(ĐTCK) Thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông đã giúp giá dầu thô tăng vọt trong 2 phiên cuối tuần, qua đó kéo chứng khoán khởi sắc theo để chính thức có tuần tăng điểm đầu tiên trong năm mới 2016.

Sau khi phục hồi nhẹ trong phiên thứ Năm nhờ phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi về khả năng ECB sẽ tung thêm gói kích thích kinh tế trong cuộc họp tháng 3 tới, phố Wall lại liên tiếp nhận được tin hỗ trợ trong phiên cuối tuần.

Dữ liệu kinh tế vừa công bố cho thấy, doanh số bán nhà hiện hữu của Mỹ tăng kỷ lục 14,7% trong tháng 12/2015, lên 5,46 triệu đơn vị, sau khi chững lại trong tháng 11/2015.

Một dữ liệu khác cho thấy, chỉ số sản xuất của các nhà máy Mỹ bất ngờ ổn định bất chấp chịu áp lực từ đồng USD mạnh. Cụ thể, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã tăng trở lại trong tháng 12/2015 từ mức thấp nhất 38 tháng. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng tăng nhanh hơn. GDP trong quý IV/2015 của Mỹ dự kiến tăng dưới 1% sau khi đã tăng 2% trong quý III.

Những thông tin kinh tế trên giúp tâm lý nhà đầu tư trên phố Wall lấy lại được sự tự tin sau những phiên bán tháo đầu tuần.

Tuy nhiên, phụ giúp đắc lực cho phố Wall hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần để qua đó có tuần tăng đầu tiên trong năm chính là nhóm cổ phiếu năng lượng.

Trong phiên cuối tuần, nhóm cổ phiếu năng lượng bứt phá mạnh khi giá dầu có 2 phiên tăng ngoạn mục nhờ thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông, khiến nhu cầu dầu sưởi ấm tăng lên, giúp giá loại nhiên liệu này tăng hơn 13% trong 2 phiên cuối tuần, giảm thiệt hại đi một nửa sau 2 tuần lao dốc đầu năm.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Dow Jones tăng 210,83 điểm (+1,33%), lên 16.093,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,91 điểm (+2,03%), lên 1.906,90 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 119,12 điểm (+2,66%), lên 4.591,18 điểm.

Trong tuần, Dow Jones tăng 0,66%, chỉ số S&P 500 tăng 1,41% và chỉ số Nasdaq tăng 2,29%. Trong tuần tới, giới đầu tư sẽ tập trung cuộc họp của FED và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng có phiên cuối tuần đáng nhớ khi các chỉ số vụt tăng mạnh với mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2015. Với 2 phiên tăng cuối tuần đã giúp chứng khoán châu Âu có tuần tăng đầu tiên trong năm.

Hỗ trợ cho chứng khoán châu Âu tăng điểm ấn tượng cuối tuần không có gì khác vẫn là nhóm cổ phiếu năng lượng với sự trợ giúp của giá dầu thô. Ngoài ra, tâm lý hứng khởi về khả năng ECB mở rộng thêm chương trình định lượng cũng chưa qua, giúp nhà đầu tư chứng khoán châu Âu mạnh dạn xuống tiền.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 126,22 điểm (+2,19%), lên 5.900,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 190,72 điểm (+1,99%), lên 9.764,88 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 130,29 điểm (+3,10%), lên 4.336,69 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,65%, chỉ số DAX tăng 2,3% và chỉ só CAC 40 tăng 3,01%.

Cũng giống chứng khoán Mỹ và châu Âu, việc giá dầu thô tăng vọt trong 2 phiên cuối tuần cũng đã cứu chứng khoán châu Á tranh khỏi chuỗi giảm mạnh liên tục. Trong phiên cuối tuần, chứng khoán Nhật Bản đã có phiên tăng ngoạn mục với mức tăng trong ngày cao nhất 4 tháng rưỡi. Ngoài giá dầu, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh còn nhờ đồng yên yếu và tâm lý hứng khởi với khả năng ECB tung thêm gói kích thích kinh tế.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng đã có phiên hồi phục ấn tượng cuối tuần, trong đó chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng điểm tốt nhất 3 tháng.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 941,27 điểm (+5,88%), lên 16.958,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 538,36 điểm (+2,90%), lên 19.080,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,08 điểm (+1,25%), lên 2.916,56 điểm.

Dù tăng rất tốt trong phiên cuối tuần, nhưng không đủ giúp chứng khoán Nhật Bản thoát khỏi tuần giảm điểm tiếp theo trong năm. Trong tuần, Nikkei 225 giảm 1,10%, chỉ số Hang Seng giảm 2,26% và chỉ số Shanghai Composite tăng nhẹ 0,54%.

Dĩ nhiên, khi giới đầu tư hứng khởi với chứng khoán, thì vàng sẽ bị “bỏ rơi” và do đó không khó hiểu khi giá kim loại quý này giảm nhẹ trong phiên cuối tuần và đánh mất mốc 1.100 USD/ounce. Ngoài ra, kỳ vọng về ECB mở rộng chương trình định lượng khiến đồng USD tăng mạnh trong phiên cuối tuần cũng gây áp lực trở lại với giá vàng.

 Tuy nhiên, với những biến động trên thị trường chứng khoán, giá vàng cũng đã có  tuần hồi phục tốt sau khi mất hơn 1,4% trong tuần trước.

Kết thúc phiên 22/1, giá vàng giao ngay giảm 3,4 USD (-0,31%), xuống 1.098,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 không đổi, đứng ở mức 1.098,2 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,84% và giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 0,88. Như vậy, trong 3 tuần đầu năm, giá vàng đã có 2 tuần tăng và 1 tuần giảm với mức tăng hơn 3,5%.

Cũng giống như nhà đầu tư chứng khoán, tuần tới, mọi con mắt trên thị trường vàng hướng vào cuộc họp đầu tiên trong năm 2016 của Fed và trước đó là các dữ liệu kinh tế được công bố. Dựa vào các dữ liệu này, nhà đầu tư và giới phân tích sẽ dự đoán động thái tiếp theo của Fed. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong năm nay, Fed sẽ có thêm 4 lần tăng lãi suất nữa, nhưng hy vọng sẽ không đến ở cuộc họp sắp tới, mà là cuộc họp trong tháng 3.

Theo cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, trong 1.033 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến, có 848 người, chiếm 81% người dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới; 124 người, chiếm 14% có đánh giá tiêu cực về giá vàng tuần tới và 61 người, tương đương 6% là giữ quan điểm trung tính.

Còn trong số 34 chuyên gia thị trường được liên hệ, có 17 người trả lời, trong đó có 11 chuyên gia, chiếm 65% đánh giá tích cực về giá vàng trong tuần mới, 5 chuyên gia, chiếm 29% dự đoán giá vàng sẽ giảm trở lại, 1 người, chiếm 6% giữ quan điểm trung lập.

Sau khi tăng hơn 4,4% trong phiên thứ Năm với thông tin kho dự trữ nhiên liệu chưng cất của Mỹ giảm 1 triệu thùng trong tuần trước, giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần khi thời tiết mùa Đông ở châu Âu và Mỹ trở nên khắc nghiệt, làm gia tăng nhu cầu dầu sưởi ấm.

Với 2 phiên phục hồi mạnh cuối tuần, giá dầu thô đã có tuần tăng đầu tiên trong năm. Tuy nhiên, giới phân tích chưa khẳng định có phải xu hướng giảm giá 18 tháng qua của giá dầu thô đã kết thúc hay không, bởi phía trước vẫn là nỗi lo dư cung khi có thêm sự tham gia của Iran, trong khi nhu cầu yếu do nền kinh tế Trung Quốc đang có dầu hiệu hạ cánh cứng.

Kết thúc phiên 22/1, giá dầu thô Mỹ tăng 2,66 USD/thùng (+8,26%), lên 32,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,93 USD (+9,11%), lên 32,18 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 9,42%, còn giá dầu thô Brent tăng ít hơn 3,77%.

Tin bài liên quan