Giá phải trả của ETF đằng sau những cuộc tháo chạy

Giá phải trả của ETF đằng sau những cuộc tháo chạy

(ĐTCK) Khi dòng tiền đang tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi, với phần lớn trong đó là tiền đầu tư qua các quỹ giao dịch hoán đổi hay còn gọi là các quỹ chỉ số (ETFs), người ta bắt đầu đặt câu hỏi, liệu đây có phải là cách tốt nhất để đầu tư vào các thị trường này?

Như đã biết, cấu trúc của ETFs cho phép giao dịch theo ngày. Chính điều này đã góp phần quan trọng vào mức độ bán tháo khỏi các thị trường mới nổi thời gian gần đây và khiến cho khu vực này trở nên bất ổn.

Một số ý kiến cho rằng, các nhân tố vĩ mô khác mới đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra tình trạng bán tháo kể trên. Điều đó đúng, nhưng vẫn lảng tránh một vấn đề là liệu các quỹ ETF có làm gia tăng mức độ bất ổn tiềm tàng hay không. Bên cạnh đó, còn một ý kiến khác, cho rằng, ETFs quá rẻ về phí giao dịch so với các dạng quỹ khác. Điều này cũng không sai.

Vậy cả hai đóng vai trò thế nào đối với các đợt bán tháo ở thị trường mới nổi gần đây? Đầu tiên, ETFs hiện chiếm phần lớn trong dòng chảy vốn vào và ra tại các thị trường mới nổi, và tiền được nắm giữ bởi các quỹ này rõ ràng là dễ bốc hơi hơn nhiều so với tiền neo ở các công cụ đầu tư khác. Theo Strategic Insight Simfund, từ đầu năm 2009 đến nay, đã có 6 quỹ ETFs rút ròng khỏi các thị trường mới nổi, trong khi cùng thời gian, dòng chảy vào các quỹ mở khác tuy nhỏ nhưng ổn định.

Việc các nhà đầu tư ETF đang phản ứng với các yếu tố vĩ mô và yếu tố cơ bản của doanh nghiệp bằng cách ra các quyết định mua và bán cho thấy, dòng tiền mà họ nắm giữ có tính chất… nôn nóng. Cũng dễ hiểu, bởi một thuận lợi then chốt của ETFs là tính thanh khoản cao của chúng, nghĩa là có thể bán rất nhanh. Với tính chất như vậy, dòng tiền ETF giúp đẩy nhanh chu kỳ phồng - xẹp ở các thị trường mới nổi.

Mặc dù vậy, với các nhà đầu tư, vấn đề phí là quan trọng. Có thể cho rằng, người ta đầu tư chỉ số là bởi phí giao dịch thấp của nó. Trong khi lợi nhuận tương lai là thứ chưa thể biết chắc chắn, thì phí đảm bảo sẽ ăn vào khoản thu về. Bởi vậy, khi tất cả các yếu tố khác cân bằng, nhà đầu tư sẽ chọn công cụ nào có phí thấp hơn.

Nhiều người cho rằng, hoạt động đầu tư chỉ số xuất phát từ Giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH), với luận cứ rằng, khi tất cả thông tin đã được tính vào giá cổ phiếu, sẽ rất khó hay không thể chiến thắng thị trường. Nhưng Jack Bogle, người sáng lập ra Vanguard và được xem là “bố già” của lĩnh vực đầu tư chỉ số, khẳng định, đầu tư chỉ số dựa trên Giả thuyết chi phí thấp (CMH).

Bogle thường vẫn tin vào điều này. Nhưng nếu một thị trường phi hiệu quả thì vẫn dễ kiếm tiền trên một chỉ số hơn, kể cả khi phí cao. Và điều đó đang xảy ra với ETFs ở các thị trường mới nổi. So với các thị trường phát triển, nơi rất khó để chiến thắng được các chỉ số cơ bản, thì các quỹ năng động ở các thị trường mới nổi dễ làm được điều này hơn.

Quỹ iShares FTF dựa trên chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi đã tăng trưởng chậm hơn chỉ số cơ sở của nó 12,3 điểm phần trăm trong thập kỷ qua, nghĩa là tăng trưởng theo năm của quỹ chỉ số này chỉ đạt 8,73%, trong khi chỉ số cơ sở tăng 9,31%. Tương tự, mức tăng trưởng theo năm thấp hơn của ETF dựa trên S&P 500 là 7 điểm cơ bản, trên Russell 2000 là 2 điểm cơ bản.

Vậy tại sao các nhà quản lý quỹ năng động vẫn sống tốt? Lệ phí của họ có lẽ là một bất lợi rất khó để vượt qua khi ETFs hầu như không tốn phí với những người đã có một tài khoản môi giới. Các quản lý quỹ năng động cần vượt qua chi phí đáng kể đó bằng cách cố gắng lựa chọn các chứng khoán tốt đang ẩn náu ở một góc thị trường nào đó.

Và ngay cả ở các thị trường mới nổi, kể cả sau khi mất phí, các quỹ năng động vẫn có xu hướng tốt hơn quỹ ETF. Theo Morningstar, trong khi iShares EM ETF giảm 10,88% trong năm qua, các quỹ đa dạng hóa năng động chỉ giảm 7,5%. Trong 5 năm qua, các quỹ tương hỗ năng động đã chiến thắng quỹ ETF với tăng trưởng NAV là 13,21% so với 11,32%. Điều đó cho thấy, thực sự đang có các cổ phiếu tốt ở các thị trường mới nổi và các nhà đầu tư năng động đã tìm thấy chúng.

Một bằng chứng khác, đó là các quỹ đầu cơ. Các quỹ này buộc các nhà đầu tư phải trói tiền của họ một thời gian dài để có lợi nhuận thật tốt. Theo EurekaHedge, các quỹ chuyên đầu cơ ở Mỹ Latinh đã tăng 1,83% trong năm ngoái, trong khi chỉ số MSCI Latin America giảm đến 15,59%. Trong tháng đầu của năm 2014, quỹ này chỉ giảm 1,95% trong khi chỉ số của thị trường lại giảm đến 11,88%.

Tóm lại, do tính lỏng cao của các quỹ chỉ số mà các nhà đầu tư vào quỹ này trở nên nhạy cảm hơn với những dấu hiệu xấu của thị trường, thành thử họ tháo chạy khỏi các thị trường này một cách vội vã hơn, bỏ lại cơ hội thực sự cho các công cụ đầu tư khác.      

Tin bài liên quan