Từ việc giá nước tăng thêm 30% cho tới viễn cảnh đánh thuế carbon, các nhà sản xuất tại Singapore đang buộc phải có sự điều chỉnh toàn bộ hoạt động để có thể duy trì được sức cạnh tranh .
Theo thông báo từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Heng Swee Keat, sau khi giữ giá nước ở mức ổn định kể từ năm 2000, Singapore buộc phải nâng giá lên.
Lý do dễ hiểu bởi đây là một đảo quốc, chính quyền cần phải trả các chi phí đắt đỏ cho việc khử muối để có nguồn nước ngọt sử dụng. Bên cạnh đó, mức giá cao hơn đồng thời cũng kiềm chế tiêu dùng, trong bối cảnh nguồn nước khan hiếm.
Lee Soon Kiat, giám đốc bộ phận quan hệ chính quyền tại công ty sản xuất chất bán dẫn Globalfoundries Inc cho biết, việc giá nước tăng lên, chia làm 2 đợt bắt đầu vào tháng 7, sẽ khiến chi phí sản xuất của Công ty tăng thêm 3,6 triệu USD mỗi năm.
“Điều này rõ ràng sẽ gia tăng chi phí sản xuất của chúng tôi. Đó là vấn đề mà mỗi ngành công nghiệp cần phải thích ứng và cần tiếp tục tạo áp lực tiết kiệm nước hoặc có biện pháp tại sử dụng nước trong quy trình”, Lee cho biết.
Các công ty sản xuất đồ uống sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất khi giá nước tăng 30%
Tuas Power Ltd, một trong những nhà sản xuất điện lớn nhất Singapore đã áp dụng quy trình tiết kiệm nước từ trước khi thông báo tăng giá nước được công bố, Michele Sit, người phát ngôn của Công ty cho biết và nói: “Chúng tôi sẽ thiết lập thêm các đồng hồ để đo lường mức độ sử dụng nước bất thường hoặc lãng phí nước”.
Trong khi đó, Heineken NV Singapore, nhà sản xuất nhãn hiệu bia Tiger, đã cam kết sẽ cắt giảm lượng nước sử dụng khoảng 20% ngay trước khi giá tăng. Nước chiếm 95% thành phần của sản phẩm bia.
Mitchell Leow, người đứng đầu bộ phận tổ chức hoạt động của Heineken Singapore cho biết, mức độ tiêu thụ nước của Công ty đã giảm khoảng 4% kể từ năm 2010 cho tới nay, thông qua các sáng kiến như lọc nước mưa từ mái nhà máy, tái sử dụng nước không uống được cho công việc dọn dẹp thông thường và cho quy trình làm mát.
Dù có chi phí đắt đỏ nhưng Singapore luôn nằm trong top các điểm đến thu hút tài năng, đồng thời có mức độ cạnh tranh hàng đầu thế giới nhờ các yếu tố như thuế doanh nghiệp thấp, cơ sở hạ tầng tốt, môi trường kinh doanh thân thiện…
Song Seng Wun, nhà kinh tế học tại CIMB Private Bank cho biết: “Singapore chưa bao giờ là nơi có chi phí rẻ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, tuy nhiên những yếu tố khác đủ mạnh để giữ vững sức cạnh tranh của đảo quốc này so với các khu vực khác”.