Ảnh Internet

Ảnh Internet

Giá nhiên liệu tăng dựng đứng khiến hãng bay chao đảo

0:00 / 0:00
0:00
Cú tăng dựng đứng của giá nhiên liệu bay trong gần 3 tháng qua đang bào mòn nỗ lực phục hồi của các hãng hàng không sau hơn 2 năm chao đảo bởi Covid-19.

Áp lực mới

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) vừa có văn bản gửi liên bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Tài chính báo cáo về ảnh hưởng của việc tăng giá dầu.

Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua, Vietnam Airlines phải gửi văn bản có nội dung tương tự tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này phần nào cho thấy lo lắng của lãnh đạo Vietnam Airlines về ảnh hưởng tiêu cực của giá nhiên liệu bay tới hoạt động khai thác hàng không.

Cần phải nói thêm rằng, giá nhiên liệu cũng đang là bài toán khó không chỉ riêng của Vietnam Airlines, mà của cả ngành hàng không, bởi nhiên liệu là chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất, tới 30-40% tổng cơ cấu chi phí.

“Chi phí nhiên liệu là yếu tố quyết định đến lợi nhuận kinh doanh của ngành hàng không”, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết.

Trong khi đó, cùng với sự phục hồi kinh tế toàn cầu, giá dầu đã không ngừng tăng nhanh trong khoảng 1 năm trở lại đây, tương ứng với giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng từ mức trung bình 73 USD/thùng năm 2021, lên khoảng 100 USD/thùng vào cuối tháng 12/2021.

Đặc biệt, kể từ khi xung đột giữa Nga - Ukraine xảy ra từ cuối tháng 2/2022, giá dầu thô tăng đột biến, thậm chí có lúc đã lên tới 138 USD/thùng. Một số nhà phân tích dự báo, giá dầu thô sẽ nhanh chóng đạt ngưỡng 150 USD/thùng. Trong trường hợp này, giá nhiên liệu bay Jet A1 sẽ tăng lên đến 160 USD/thùng và không loại trừ kịch bản xấu nhất là giá có thể vọt lên 200 USD/thùng.

Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, việc giá nhiên liệu Jet A1 trung bình tháng 3/2021 đạt trên 130 USD/thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của Tổng công ty tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, thì chi phí ước tính của Vietnam Airlines sẽ tăng thêm khoảng 5.700 tỷ đồng. Còn nếu giá dầu Jet A1 tăng lên khoảng 160 USD/thùng, thì chi phí tăng thêm của Vietnam Airlines sẽ ở mức 9.100 tỷ đồng.

Trong quá khứ, “cơn bão nhiên liệu” năm 2008 đã đẩy nhiều hãng hàng không thế giới tới bờ vực phá sản. Ngay tại Hoa Kỳ, có tới 5 hãng hàng không lớn, bao gồm cả hãng bay giá rẻ và hãng bay truyền thống với hơn 60 năm kinh nghiệm, đã bị “bật bãi” khỏi thị trường, đó là Aloha Airlines, Champion Air, ATA Airlines, Skybus Airlines và Eos Airlines.

Đối với Vietnam Airlines, tại thời điểm này, hãng đã phải gánh thêm khoản chi phí lên tới 2.200 tỷ đồng do giá nhiên liệu tăng cao và phải mất nhiều năm để bù đắp.

Có thể thấy, tình hình của các hãng bay trong nước hiện nay còn khó khăn hơn nhiều so với năm 2008. Do cạnh tranh khốc liệt, nên dù phải chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, các hãng hàng không vẫn tiếp tục đổ thêm tải cung ứng, khiến giá vé bình quân liên tục sụt giảm.

Cùng với đó, quy định về giá trần cũng đang là một rào cản lớn do giá nhiên liệu tăng cao đẩy chi phí tăng theo, nhưng doanh thu của các hãng bay lại không được bù đắp từ việc tăng giá vé.

Cần sự hỗ trợ từ Nhà nước

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, để vượt qua khó khăn, trong thời gian tới, các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải tích cực “thắt lưng, buộc bụng” và điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm thích nghi tốt hơn với những bất lợi của thị trường.

Bên cạnh đó, các hãng cũng cần sự chia sẻ của các cơ quan quản lý nhà nước để giảm một số chi phí như thuế nhiên liệu bay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu… để giảm bớt khó khăn.

Liên quan biến động giá nhiên liệu bay, Vietnam Airlines kiến nghị liên bộ GTVT và Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa.

Cụ thể, với mỗi 10 USD giá nhiên liệu tăng lên, hãng bay được áp dụng mức phụ thu theo tỷ lệ trung bình 0,5% tương ứng theo khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách của mỗi nhóm cự ly. Mức giá nhiên liệu bắt đầu tính phụ thu là 60 USD/thùng do thời điểm ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách đang áp dụng từ năm 2015 là 56,9 USD/thùng. Mức phụ thu nhiên liệu được điều chỉnh theo mỗi giai đoạn của 2 tháng để tạo sự ổn định.

“Với mỗi 10 USD giá nhiên liệu tăng thêm, tổng chi phí của Vietnam Airlines tăng lên trung bình khoảng 3%. Tuy nhiên, để bù đắp một phần chi phí do giá nhiên liệu tăng và dung hòa với tỷ lệ tăng chi phí của các hãng hàng không khác, tỷ lệ 0,5% là hợp lý, hạn chế ảnh hưởng tới hành khách”, ông Lê Hồng Hà cho biết.

Trước đó, vào năm 2008, liên bộ GTVT và Tài chính đã từng cho phép triển khai chính sách phụ thu nhiên liệu ngoài khung giá khi giá nhiên liệu biến động mạnh (đạt mức 147 USD/thùng).

Theo Thông tư liên tịch số 103/TTLT/BTC-BGTVT hướng dẫn về quản lý giá cước vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, đối với các đường bay còn vị thế hoạt động độc quyền, khi giá nhiên liệu biến động vượt trên 20% mức giá đã tính trong khung giá cước, trường hợp không điều chỉnh khung giá, thì Bộ Tài chính chủ trì xem xét, quy định mức tối đa phụ thu xăng dầu nội địa áp dụng có thời hạn.

“Như vậy, việc triển khai phụ thu nhiên liệu ngoài khung giá là không trái với quy định”, lãnh đạo Vietnam Airlines nêu quan điểm.

Tin bài liên quan