Cao su Tân Biên, Vissan sắp gia nhập UPCoM
Tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) từ tháng 3 và nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào cuối tháng 4/2016, CTCP Cao su Tân Biên dự kiến đăng ký lưu ký toàn bộ gần 88 triệu cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) ngay trong tháng 8 này với mã chứng khoán TBR hoặc RTB. Theo Tổng giám đốc Trương Văn Cư, Cao su Tân Biên đang làm việc với đơn vị tư vấn về việc xúc tiến các thủ tục đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.
Ngày 5/8 vừa qua, Công ty có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phiếu.
Cao su Tân Biên hiện có vốn điều lệ hơn 879 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng và khai thác cao su thiên nhiên; sản xuất hóa chất, phân bón. Trước khi giá mủ cao su thiên nhiên rơi sâu, Cao su Tân Biên từng có hiệu quả kinh doanh rất tốt. Năm 2012, lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 405 tỷ đồng trên vốn điều lệ 514 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2013, khi giá cao su rớt mạnh, cũng như các doanh nghiệp cùng ngành, hiệu quả kinh doanh của Công ty dần đi xuống. Nếu như năm 2013, Công ty có lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, thì đến năm 2015 chỉ còn 67 tỷ đồng. Năm 2016, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu hơn 336 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 61,3 tỷ đồng. Trong đợt IPO tháng 3 năm nay, Cao su Tân Biên chỉ bán được chưa đầy 0,5% lượng cổ phần chào bán.
Ngày 4/8 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan). Theo thông tin từ Phòng Kế hoạch đầu tư của Vissan, Công ty hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để đăng ký giao dịch tại UPCoM.
Trước đó, vào đầu tháng 3, phiên IPO của Vissan đã diễn ra thành công khi toàn bộ hơn 11 triệu cổ phần đưa ra đấu giá được chào bán thành công, thu về gần 1.000 tỷ đồng. Tiếp đó, Vissan đã bán 14% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế - Anco (công ty con của Tập đoàn Masan). Vốn điều lệ của Vissan sau IPO là gần 810 tỷ đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh 5 năm giai đoạn sau cổ phần hóa đã được Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Vissan thông qua, năm 2016, Vissan dự kiến đạt 99,178 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng nhẹ lên mức 99,475 tỷ đồng vào năm 2017; nâng lên 106,686 tỷ đồng vào năm 2018. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, cổ phiếu Vissan sẽ tạo sự sôi động khi lên sàn chứng khoán.
Lilama, Vegetexco để ngỏ kế hoạch lên sàn
Trong số doanh nghiệp vừa đăng ký công ty đại chúng mới đây, còn có Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và Tổng công ty Rau quả Nông sản - CTCP (Vegetexco). Đây là hai doanh nghiệp đều có vị thế đầu ngành. Lilama là một trong những nhà thầu chế tạo thiết bị cơ khí và thi công xây dựng công trình (EPC) hàng đầu của Việt Nam, với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Lilama hiện có trên 20 công ty thành viên và trong đó có những doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn như L10, LM8, L35…
Vài năm trở lại đây, doanh thu Lilama có xu hướng giảm (chủ yếu ở mảng hoạt động EPC, xây lắp) do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sau cổ phần hoá, Lilama đặt kế hoạch doanh thu sẽ tăng mạnh giai đoạn 2017 – 2018, đạt lần lượt 13.987 tỷ đồng và 15.390 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tương ứng dự kiến đạt 120 và 166 tỷ đồng. Năm 2016, Lilama đặt kế hoạch doanh thu 8.171 tỷ đồng và 62 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Còn Vegetexco là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu rau, hoa quả và nông sản, có sản phẩm xuất khẩu ra gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2016, Vegetexco đặt kế hoạch doanh thu 691,2 tỷ đồng và lãi sau thuế 27,3 tỷ đồng.
Dù thực hiện cổ phần hóa từ năm 2015, nhưng đến nay, cả 2 doanh nghiệp này đều chưa có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn theo quy định. Với Lilama, theo đại diện Ban Kiểm toán nội bộ Tổng công ty, Lilama vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bộ máy doanh nghiệp sau cổ phần hóa nên chưa có kế hoạch gia nhập thị trường chứng khoán. Trong khi đó, với Vegetexco, sau khi IPO thành công vào tháng 9/2015, tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu và ĐHCĐ thường niên năm 2016, nội dung về việc lên sàn chứng khoán đều không được đề cập.