PGS-TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).
PGS-TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, gia nhập ASEAN không chỉ hiện thực hóa mong muốn hội nhập sâu rộng, mà còn tạo bệ phóng giúp Việt Nam đạt những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn, khẳng định được vị thế và sức ảnh hưởng ở khu vực và quốc tế.
Nhìn lại 25 năm qua, sự đồng hành và gắn bó cùng ngôi nhà chung ASEAN đã mang lại những lợi ích kinh tế lớn lao nào cho Việt Nam, thưa ông?
Lợi ích là vô cùng. Bắt đầu công cuộc Đổi mới từ năm 1986, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995 và gia nhập ASEAN cùng năm. Đây là thời điểm Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích.
ASEAN được coi là bệ phóng giúp Việt Nam hội nhập sân chơi khu vực và toàn cầu. Từ đó, Việt Nam tham gia rất nhiều cơ chế hợp tác khu vực, từ ASEAN+ đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực mà ASEAN là trung tâm, các tổ chức hợp tác mà ASEAN là trung tâm như Hội nghị Cấp cao Đông Á, ASEAN+3, ASEAN+6, CPTPP...
Những cơ chế hợp tác này có lợi cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng quan hệ thương mại. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các nước trên thế giới, có độ mở kinh tế rất lớn với tỷ lệ kim ngạch thương mại/GDP hơn 200%.
Gia nhập ASEAN cũng là bệ phóng giúp Việt Nam hiện thực hóa mong muốn hội nhập khu vực và thế giới, mở rộng quan hệ thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống người dân.
Bằng chứng là, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình hơn 10 năm nay và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD.
Cùng với chính sách mở cửa thu hút đầu tư, sau khi gia nhập ASEAN, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt từ ASEAN đã tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật nào cho Cộng đồng ASEAN?
Đóng góp của Việt Nam cho Cộng đồng ASEAN được đánh giá rất cao. Về tổng thể, đóng góp của Việt Nam cho ASEAN trong 25 năm qua có thể khái quát thành 5 nội dung chính.
Thứ nhất, Việt Nam rất tích cực đưa ra những định hướng, quyết sách cho việc phát triển ASEAN.
Đơn cử, chỉ mới gia nhập ASEAN được 3 năm, vào năm 1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VI. Hội nghị đã đưa ra Chương trình Hành động Hà Nội với những nội dung rất quan trọng để triển khai Tầm nhìn 2020, tạo nền tảng cho việc thành lập Cộng đồng ASEAN sau này.
Thứ hai, Việt Nam thể hiện rất tích cực trong vai trò của mình, đặc biệt là đảm nhiệm rất thành công các nhiệm vụ luân phiên.
Thứ ba, Việt Nam tham gia rất nhiều đề xuất sáng kiến hợp tác thiết thực hướng tới người dân. Khi đề xuất thành lập Cộng đồng ASEAN, các quan chức ASEAN ban đầu chủ yếu tập trung cho việc xây dựng 2 cộng đồng chính, gồm Cộng đồng An ninh - Chính trị và Cộng đồng Kinh tế, còn Cộng đồng Văn hóa - Xã hội về sau mới được xây dựng với đóng góp lớn từ Việt Nam, bởi Việt Nam đề xuất nhiều sáng kiến về phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế và gắn kết người dân ASEAN.
Thứ tư, Việt Nam tích cực trong hội nhập kinh tế khu vực. Đến nay, Việt Nam là một trong 2 quốc gia thành viên có tỷ lệ thực hiện cam kết cao nhất (chỉ sau Singapore), thực hiện trên 95,5% cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng AEC.
Thứ năm, Việt Nam tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác chung. Trong cơ chế hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện nay, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực.
Nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam khó tránh khỏi dư chấn từ xung đột giữa các nước lớn. Vậy cần có những ứng biến khôn ngoan trước các xung đột đó, thưa ông?
Cục diện thế giới thay đổi rất mạnh, đặc biệt, sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ (đầu năm 2017) và đưa ra nhiều khẩu hiệu như “Nước Mỹ trên hết”, “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, đồng thời tuyên bố không tham gia một số hiệp định hợp tác khu vực như TPP, kích hoạt thương chiến với Trung Quốc… Do đó, có nhiều quan điểm cho rằng, ông Trump quay về xu hướng bảo hộ trong khi thế giới đang tồn tại xu hướng đa cực.
Điều này không hẳn đúng. Điều mà ông Trump hướng đến là thay đổi trật tự quan hệ thương mại thế giới theo hướng công bằng hơn cho các bên tham gia, nhất là trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực…
Trong bối cảnh đó, với Việt Nam, cách khôn ngoan là hài hòa quan hệ giữa các bên.
Tôi nghĩ, không thể chọn nghiêng về bên nào và đừng đặt mình vào vị trí chọn bên. Bởi lẽ, cục diện thế giới biến động khó lường, việc chọn nghiêng về bên nào ắt sẽ có những rủi ro và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước. Tốt nhất là giữ quan hệ tốt với các nước, đặc biệt là hài hòa quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, ASEAN, nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.