Giá nhà ở xã hội sẽ ở mức phù hợp để người thu nhập thấp lựa chọn

0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Xây dựng, các quy định tại Điều 84, Luật Nhà ở (dự thảo) nếu được thông qua sẽ khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức phù hợp.
Giá nhà ở xã hội sẽ ở mức phù hợp để người thu nhập thấp lựa chọn

Bộ Xây dựng đã trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc quan tâm điều chỉnh giá nhà ở xã hội hoặc có các gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, do hiện nay nhà ở xã hội bán giá rất cao, người dân có thu nhập thấp khó có thế tiếp cận được.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo ý kiến của các Đại biểu Quốc hội sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.

Theo đó, tại Điều 84 dự thảo quy định về việc xác định giá thuê, thuê mua, bán nhà ở xã hội, gồm: Giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) trong phạm vi dự án, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bao gồm chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước và kinh phí bảo trì do người mua phải nộp theo quy định không được tính vào giá bán; Giá thuê mua được xác định như giá bán và không tính kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp theo quy định của Luật Nhà ở; Giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê.

Đồng thời, tại Điều 82 dự thảo đã quy định các ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi về thuế theo pháp luật về thuế, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10% phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, được hưởng ưu đãi đối với phần diện tích đất hoặc diện tích sàn kinh doanh thương mại và không phải hạch toán vào giá nhà ở xã hội.

Các quy định nêu trên sau khi được thông qua sẽ khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức phù hợp để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện để lựa chọn mua, thuê mua hay thuê nhà ở, ổn định cuộc sống.

Về các gói hỗ trợ nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng, hiện nay có 2 chương trình tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Thứ nhất là Gói vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.

Chính sách thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính riêng nguồn vốn 15.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định tại Chương trình phục hồi, đến 16/8/2023, dư nợ Ngân hàng chính sách xã hội đạt 7.351 tỷ đồng với gần 19.900 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Thứ hai là ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, trong đó đã có giải pháp về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đưa ra với mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện mục tiêu của Đề án 1 triệu căn hộ; thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030 với đối tượng là chủ đầu tư (để đẩy mạnh nguồn cung), khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội (để hỗ trợ nguồn cầu) với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương gửi về, đã có 11 UBND tỉnh công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư là 31.673,1 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 12.442,78 tỷ đồng, gồm Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, An Giang, Bắc Giang, Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hậu Giang.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, các Bộ ngành, địa phương để đôn đốc, hướng dẫn triển khai các gói tín dụng nêu trên.

Tin bài liên quan