“Diễn biến tăng giá nguyên liệu đầu tư và chính sách giá bán cạnh tranh có thể khiến lợi nhuận của CSM không đạt được kế hoạch đề ra”, ông Phạm Hồng Phú, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CSM nói.
Ông Phú cho biết, CSM lên kế hoạch kinh doanh 2017 từ tháng 9/2016 và được cổ đông lớn Nhà nước là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thông qua vào tháng 11/2016. Từ đó đến nay, tình hình thị trường là khá khó khăn, nhưng vì đã ra Nghị quyết nên kế hoạch khó sửa đổi.
Hiện nay, theo ông Phú, giá các nguyên liệu đầu vào ngành săm lốp hầu như đều tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, giá cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp tăng vọt từ 80-100%, các nhóm vật tư như than đen, vải mành, thép tanh, bố thép tăng bình quân 18-25%...
“Điều này một mặt tạo ảnh hưởng tốt, giúp CSM tăng giá bán, tăng doanh thu (dự kiến có thể đạt 3.700 tỷ đồng), nhưng mặt khác cũng khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể một số mặt hàng do bị cạnh tranh mạnh mẽ, nên CSM phải giảm giá bán để giữ khách hàng, cũng như thị phần”, Tổng giám đốc CSM cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành săm lốp Trung Quốc đang có xu hướng di dời nhà máy và tham gia sản xuất trực tiếp tại Việt Nam. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thị phần của CSM nếu Công ty không áp dụng các chính sách giá bán linh hoạt.
“Trong trường hợp diễn biến giá nguyên liệu bất lợi, bằng mọi giá Công ty sẽ đảm bảo mức lợi nhuận trước thuế tối thiểu 260 tỷ đồng”, ông Phú khẳng định.
Tuy thị trường trong nước có những khó khăn, song triển vọng từ một số thị trường xuất khẩu là lợi thế của CSM. Cụ thể, với việc ký hợp tác chiến lược với Tireco (Mỹ), giai đoạn đầu, đối tác này đã bao tiêu 500.000 lốp xe/năm đối với sản phẩm lốp radial bán thép dành cho dòng xe du lịch (PCR), dòng sản phẩm mới được CSM đưa ra vào đầu tháng 4 năm nay. Sau đợt hàng này, Tireco dự kiến tiếp tục tiêu thụ 100.000 lốp PCR trong tháng 5/2017. Theo lãnh đạo CSM, đối tác này cũng đã đồng ý hợp tác giai đoạn 2 để tăng sản lượng tiêu thụ lốp PCR của CSM lên 1 triệu lốp/năm.