“Giá” mua công ty chứng khoán nhích lên

“Giá” mua công ty chứng khoán nhích lên

(ĐTCK) Trong khi định giá nhiều công ty chứng khoán (CTCK) trên sàn đang giảm so với mấy tháng trước đó, thì mức giá các nhà đầu tư sẵn sàng trả cho các CTCK ngoài sàn, nhất là những công ty có quy mô tài chính không quá lớn, chất lượng tài sản tốt... lại dần tăng.

Giá công ty chứng khoán niêm yết chững lại

Cuối tháng 2/2018, giá cổ phiếu HCM của CTCK TP.HCM lên mức 83.300 đồng/CP - cao nhất kể từ khi niêm yết. Từ đó đến nay, HCM 2 lần chia cổ tức (1 lần bằng tiền, 1 lần bằng cổ phiếu) và giá hiện nay ở mức 58.000 đồng/CP. Cổ phiếu HCM đang được giao dịch với P/E 9,33 lần và P/B 2,52 lần (nguồn: CTCK Tân Việt - TVSI).

Tương tự, với cổ phiếu SSI của CTCK Sài Gòn, từ mức giá cao nhất là hơn 43.000 đồng/CP đầu tháng 4/2018, đến nay, giá SSI đã giảm về 29.000 đồng/CP, tương đương P/B là 1,63 lần, P/E pha loãng 13,11 lần.

Thống kê cho thấy, 30% có lẽ là một mức giảm giá tương đối phổ thông của các cổ phiếu chứng khoán tính từ mức đỉnh giao dịch như HCM, SSI, MBS, VCI...

Nguyên nhân giảm chủ yếu do thị trường chứng khoán (TTCK) giảm mạnh trong quý II/2018 (25%). Cá biệt như trường hợp cổ phiếu VND của CTCK VNDirect, do có yếu tố bất thường về mặt thông tin tác động đến tâm lý nhà đầu tư, nên mức giảm giá thậm chí đến 50% ở từng thời điểm.

Hiệu quả hoạt động CTCK bị ảnh hưởng nhiều bởi TTCK. Khi thị trường hưng phấn, thanh khoản lớn, giá cổ phiếu tăng... là yếu tố giúp các CTCK tăng thu nhập từ môi giới, dịch vụ tài chính, đầu tư và ít rủi ro nợ xấu. Đây là lý do khiến giá cổ phiếu ngành chứng khoán thường tỷ lệ thuận theo đà tăng thị trường.

Giá mua công ty chứng khoán ngoài sàn đang tăng dần

Trái ngược sự chững lại của giá cổ phiếu chứng khoán niêm yết, các CTCK chưa lên sàn lại đang được săn đón, với mức giá ngày một cao.

Cuối năm 2017, KB Securities, công ty con của Tập đoàn KB Financial đã ký hợp đồng mua gần 100% cổ phần của CTCK Maritime (MSI, sau đó đổi thành CTCK KB Việt Nam) với giá trị khoảng 33 triệu USD.

Với mức giá này, đối tác Hàn Quốc mua định giá tương đương khoảng 26.000 đồng/CP, MSI có giá trị sổ sách khoảng 15.000 đồng/CP, tương đương P/B khoảng 1,73 lần ở thời điểm giao dịch.

Đây là mức định giá cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của thị trường ở thời điểm đó. Lý do của việc định giá cao này, là phía đối tác ngoài việc mua lại công cụ để gia nhập thị trường môi giới chứng khoán tại Việt Nam, đồng thời tận dụng được nền tảng khách hàng và thương hiệu của MSI.

Đặc biệt hơn, thời điểm KB Financial mua lại MSI, thị trường đang trong giai đoạn tái lập đỉnh cũ và chinh phục đỉnh mới, với thanh khoản ngày một tăng cao.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số môi giới cho biết, các CTCK hiện nay đang là đối tượng săn lùng của ngày một nhiều các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại.

“TTCK Việt Nam tiềm ẩn sức hấp dẫn vượt trội của mình so với các thị trường trong khu vực. Với quy mô toàn thị trường dự báo còn tăng mạnh trong tương lai, trong khi quy mô vốn hóa các CTCK vẫn còn khá nhỏ là lý do khiến các tập đoàn tài chính nước ngoài nhắm đến các CTCK Việt”, một chuyên gia đã làm “bà mối” thành công cho 2 thương vụ giao dịch CTCK thời gian vừa qua cho hay.

Điểm thú vị là, do số lượng CTCK đang giảm dần, nhu cầu quan tâm mua của nhà đầu tư tăng lên, nên giá giao dịch các CTCK đã có xu hướng nhích lên. Với những CTCK có nền tảng tốt, nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá khá cao hơn so với định giá trên sàn.

Ngược lại, ở những CTCK hoạt động cầm chừng, tài sản lành mạnh, mức giao dịch đang được chào mua khoảng 1,5 triệu USD cộng giá trị sổ sách. Cá biệt, đã có trường hợp, bên mua chấp nhận mức giá khoảng 2 triệu USD cộng giá trị tài sản ròng. 

Vì sao lên giá?

Đi tìm câu trả lời về việc vì sao giá mua CTCK có xu hướng nhích lên, câu trả lời từ các thành viên thị trường là khá bất ngờ. Ngoài việc kỳ vọng vào mức độ tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới, mỗi nhà đầu tư lại có một định hướng riêng.

Với các nhà đầu tư ngoại, mua một CTCK trong nước là cách tốt để các nhà đầu tư này mở rộng dịch vụ tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là dịch vụ kết nối đầu tư nước ngoài và cho vay tài chính.

“Với mức lãi suất khoảng 3%/năm ở nước sở tại, cho vay margin ở Việt Nam khoảng 12%/năm là một mức quá hấp dẫn, kể cả có chịu áp lực về vấn đề tỷ giá. Đây là lý do các ông lớn tài chính nước ngoài khi vào Việt Nam đều mong muốn tăng mạnh quy mô vốn chủ và sẵn sàng cấp vốn vay lớn cho công ty con tại Việt Nam”, giám đốc phân tích một CTCK vốn Hàn Quốc chia sẻ.

Đối với các nhà đầu tư Việt Nam, mức độ săn mua CTCK có phần ít hơn so với nhu cầu từ khối ngoại, nhưng cũng tăng lên trong thời gian gần đây.

“Nếu trước đây, nghĩ đến huy động vốn là họ gặp ngân hàng, thì nay, các công ty đã tìm TTCK để huy động vốn nhiều hơn. Câu chuyện của Hoàng Anh Gia Lai là bài học thực tế mà các ông chủ có thể học hỏi, và vì thế, chuyện muốn sở hữu một CTCK để linh hoạt trong các giải pháp vốn cũng là điều dễ hiểu”, phó tổng giám đốc CTCK trực thuộc ngân hàng cho biết.                

Tin bài liên quan