Kiểm tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp gian lận
Ông Trần Mạnh Cường, Phó cục trưởng Cục Điều tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan vừa cho biết, từ đầu năm đến nay toàn ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu.
“Qua hoạt động kiểm tra, điều tra, cơ quan hải quan đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Ngoài ra, cơ quan hải quan đã thu hơn 33 tỷ đồng, bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu”, ông Cường cho biết thêm.
Theo báo cáo vừa được Tổng cục Hải quan công bố tại cuộc họp báo về hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan 4 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ thì cả 4 doanh nghiệp đều vi phạm.
“Doanh nghiệp nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa như gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in nhãn hiệu (label) cho một số sản phẩm để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh và toàn bộ linh kiệ trực tiếp chuyển hóa thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh không đủ điều kiện đạt “Made in Vietnam” theo tiêu chí chuyển đổi mã số và tiêu chí phần trăm của trị giá quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP”, ông Cường giải thích.
Cũng trong thời gian này, cơ quan hải quan đã kiểm tra sau thông quan 5 doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời thì cả 5 doanh nghiệp vi phạm xuất xứ hàng hoá. Kiểm tra 12 doanh nghiệp sản xuất nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ thì cả 12 doanh nghiệp vi phạm xuất xứ hàng hoá.
“Doanh nghiệp nhập khẩu hoặc mua lại từ hàng nhập khẩu dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc nhập khẩu ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (khoan lỗ, chà nhám và sơn) lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh như tủ, giá sách, giường, bàn sofa, bàn trà, bàn cocktail... không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam”, ông Cường giải thích.
Chưa có chế tài đủ mạnh
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá vẫn diễn biến phức tạp là do trong xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ; EVFTA, CPTPP đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý đó là đảm bảo tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời phải kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, để lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu,
Với việc chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế bao gồm thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp gia tăng.
“Mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7.5 - 285% tùy theo từng mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp đặt bổ sung thuế có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có kim ngạch tăng đột biến như đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nước ngoài (tuyệt đại đa số là Trung Quốc) đã gian lận xuất xứ Việt Nam nhằm tránh thuế nhập khẩu của chính quyền Tổng thống Donald Trump”, ông Lộc nhận định.
Theo ông Lộc, có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp trong đó có nguyên nhân là các quy định hiện hành xử lý chưa nghiêm minh.
“Bộ luật Hình sự hiện nay chỉ chế đối với tội buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả… mà chưa chế tài đối với tội giả mạo xuất xứ hàng hoá, thậm chí khái niệm “chuyển tải bất hợp pháp” cũng không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào”, ông Lộc cho biết.
Cũng theo ông Lộc, quy định về xử lý vi phạm hành chính có chế tài đối với hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ hang hoá. Và theo nguyên tắc, chủ thể vi phạm hành chính đều phải nộp lại số tiền, tài sản có được do hành vi vi phạm pháp luật mà có. Tuy nhiên, đối với hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ hàng hoá hiện tại không áp dụng được quy định này vì lợi ích bất hợp pháp mà tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có được nằm ngoài biên giới Việt Nam.
“Ví dụ mặt hàng nào đó của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào Mỹ, nhưng cũng mặt hàng đó của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thuế suất 25%. Doanh nghiệp sau khi nhập khẩu hàng từ Trung Quốc chỉ thực hiện vài ba công đoạn đơn giản, thậm chí là đóng gói lại bao bì trước khi xuất khẩu sang Mỹ là sẽ được hưởng thuế suất 0%. Hành động này ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến hàng hoá Việt Nam nhưng hiện nay chưa thu hồi được số lợi bất chính mà doanh nghiệp có được do vi phạm pháp luật vì lợi ích này có được nằm ngoài biên giới Việt Nam”, ông Lộc giải thích và cho rằng, khi phát hiện doanh nghiệp, tổ chức, cá nân vi phạm, ngoài xử phạt vi phạm hành chính cần phải có hình phạt bổ sung, khắc phục hậu quả đối với lợi ích mà tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có được do vi phạm pháp luật ngoài biên giới.