Theo đó, chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu đạt trung bình 119,1 điểm trong tháng 4, tăng so với mức 118,8 điểm của tháng trước. Tuy nhiên, số liệu tháng 4 của FAO vẫn thấp hơn 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số này đã chạm mức thấp nhất trong 3 năm vào tháng 2 khi giá lương thực tiếp tục giảm trở lại từ mức đỉnh kỷ lục vào tháng 3/2022 khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trong xu hướng kéo dài thời gian cắt giảm lãi suất vì lạm phát dai dẳng làm trì hoãn việc tiếp cận bất kỳ cuộc hạ cánh mềm nào.
Trong tháng 4, thịt có mức tăng giá mạnh nhất khi tăng 1,6% so với tháng trước. FAO cho biết, giá thịt gia cầm, thịt bò và thịt cừu cao hơn bù đắp cho sự sụt giảm nhẹ của thịt lợn, bị ảnh hưởng bởi nhu cầu chậm ở Tây Âu và từ các nhà nhập khẩu hàng đầu, đặc biệt là Trung Quốc.
Chỉ số ngũ cốc của FAO cũng tăng trở lại sau ba tháng giảm giá, khi được hỗ trợ bởi giá ngô xuất khẩu tăng mạnh. Giá dầu thực vật cũng tăng cao, kéo dài mức tăng trước đó lên mức cao nhất trong 13 tháng do giá dầu hướng dương và hạt cải dầu tăng mạnh.
Chỉ số đường giảm mạnh với mức giảm 4,4% so với tháng 3, và đã giảm hơn 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh triển vọng nguồn cung toàn cầu cải thiện.
Bên cạnh đó, FAO đã nâng ước tính sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023/2024 lên 2.846 triệu tấn từ mức 2.841 triệu tấn dự kiến vào tháng trước, tăng 1,2% so với năm trước, đặc biệt là do số liệu cập nhật của Myanmar và Pakistan.
Đối với vụ mùa sắp tới, cơ quan này đã hạ dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2024 xuống 791 triệu tấn từ mức 796 triệu tấn vào tháng trước, phản ánh diện tích trồng lúa mì ở Liên minh châu Âu giảm mạnh hơn dự kiến trước đây.
Tuy nhiên, triển vọng sản lượng lúa mì năm 2024 đã sửa đổi vẫn cao hơn khoảng 0,5% so với mức của năm trước.