Hợp đồng tương lai của giá cây trồng đã giảm xuống mức trước xung đột và chỉ số giá lương thực hàng tháng của Liên hợp quốc có mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Điều đó mang lại một phần hỗ trợ cho những người tiêu dùng đã phải đối mặt với lạm phát lương thực tràn lan kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đang gây áp lực lớn hơn đối với nông dân từ Mỹ đến Ấn Độ để thay thế vụ mất mùa và bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Ukraine, thường là nguồn cung chủ chốt đến các quốc gia nghèo hơn ở Trung Đông và châu Phi.
Các nhà sản xuất lớn như Mỹ, Brazil và Argentina đã phải đối mặt với vấn đề năng suất cây trồng sụt giảm trong vài năm qua do sức nóng kinh hoàng, hỗ trợ giá ở mức cao hơn. Sản lượng ngô và đậu tương toàn cầu giai đoạn 2021-2022 đã giảm 45 triệu tấn so với dự báo ban đầu.
Theo các nhà phân tích được thăm dò bởi Bloomberg, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong tuần này dự kiến sẽ cắt giảm triển vọng đối với sản lượng ngô và đậu tương của Mỹ trong năm nay, trong khi lúa mì có thể có triển vọng tốt hơn.
Ben Buckner, nhà phân tích ngũ cốc của AgResource cho biết: “Không giống như những năm gần đây, mỗi giạ thu hoạch đều có vấn đề và thậm chí giảm năng suất từ 1-2% và có xu hướng liên quan đến sự thắt chặt chính sách của Mỹ và toàn cầu”. (Giạ: đơn vị đo lường thể tích khoảng 36 lít, để đong thóc...).
Chỉ số giá lương thực của Bloomberg |
Theo Ủy ban châu Âu, cái nóng gay gắt ở châu Âu có thể làm giảm thu hoạch ngũ cốc của Liên minh châu Âu xuống 5% so với mùa trước. Cây ngô đặc biệt bị tàn phá bởi thời tiết khắc nghiệt, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu của khối và tăng chi phí cho người chăn nuôi. Ngành nông nghiệp Pháp đang phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận và các cánh đồng đang khô héo ở các nước sản xuất chủ chốt khác như Đức và Romania.
Vincent Braak, một nhà phân tích cây trồng tại Strategie Grains cho biết, tình hình đã trở nên nghiêm trọng.
“Ngay cả khi mưa trở lại, đối với sản xuất ngô, bây giờ đã quá muộn để có năng suất tốt vì việc thụ phấn được thực hiện hầu như ở khắp mọi nơi. Chúng tôi đang lo lắng cho tất cả các vụ mùa hè. Ngay cả với việc tưới tiêu, nhiệt độ này cũng hoàn toàn điên rồ”.
Bộ nông nghiệp nước này cho biết trong một báo cáo thu hoạch ngô năm nay của Pháp là 12,66 triệu tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Nếu điều này được xác nhận, đó sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tại Ấn Độ, nhiệt độ tăng vọt trong tháng 3 lên mức cao nhất chưa từng có trong tháng được ghi nhận từ năm 1901, làm suy giảm gieo sạ vụ đông lớn nhất của nước này trong thời kỳ tăng trưởng quan trọng. Điều đó đã khiến các nhà chức trách cấm xuất khẩu lúa mì vào tháng 5 để bảo vệ nguồn cung trong nước và kiểm soát giá tăng.
Lúa là một loại cây trồng quan trọng khác của Ấn Độ và được trồng trên một diện tích nhỏ hơn vào mùa này do thiếu lượng mưa ở một số khu vực trồng trọt chính, bao gồm Tây Bengal và Uttar Pradesh, chiếm 25% sản lượng của cả nước. Điều này có khả năng làm giảm sản lượng và có thể gây ra các hạn chế đối với các lô hàng từ Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu.
Căng thẳng ở Ukraine cũng đang tác động đến những vụ thu hoạch trong tương lai. Cho đến nay, xuất khẩu ngũ cốc giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái và việc gieo hạt bị ảnh hưởng. Trong một dấu hiệu của sự dịch chuyển dòng chảy thương mại, Ai Cập - nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - đang mua nhiều lúa mì của Pháp hơn nhiều so với mức bình thường cho thời điểm này trong năm.
Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ: Người trồng ở Úc kỳ vọng sẽ thu được một vụ lúa mì khá trong mùa này, sau khi các điều kiện thuận lợi khuyến khích nông dân tăng cường trồng đến mức gần kỷ lục. Mặc dù những nguồn cung đó sẽ không được thu hoạch trong một vài tháng, nhưng các nhà xuất khẩu của Úc vẫn đang vận chuyển lượng ngũ cốc dư thừa từ các mùa vụ trước sau hai năm liên tiếp đạt sản lượng bội thu. Canada là nước trồng cải dầu hàng đầu thế giới và là nhà xuất khẩu lúa mì lớn, cho đến nay cũng đang có một mùa phát triển tốt.
Nga được xem là người chiến thắng thị trường lớn nhất với một vụ thu hoạch lớn, mặc dù các chuyến hàng chậm hơn bình thường do các nhà xuất khẩu phải tìm tàu, thủy thủ đoàn và bảo hiểm tàu.
Một số kỳ vọng tích cực
Cũng có một số tin tốt dưới dạng nhu cầu hạ nhiệt từ Trung Quốc, vì đây là nước mua ngũ cốc lớn nhất thế giới. Nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong nửa đầu năm giảm 11% so với một năm trước, trong khi nhập khẩu lúa mì trong cùng thời kỳ giảm 7,8% và đậu tương giảm 5,4% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận kém trong ngành chăn nuôi khổng lồ cũng hạn chế nhu cầu cây trồng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nhập khẩu dầu cọ của Trung Quốc đã suy yếu do chính sách Zero Covid làm cắt giảm nhu cầu từ các ngành công nghiệp nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Khi xung đột xảy ra, giá cả đã tăng vọt với giả định rằng xuất khẩu từ Biển Đen sẽ ngừng hoàn toàn. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều tàu tự tìm đường di chuyển nên hầu hết “phí bảo hiểm chiến tranh” đã biến mất khỏi các hợp đồng tương lai. Một câu hỏi lớn là liệu các lô hàng có tiếp tục tăng đủ để bù đắp lượng cây trồng nhỏ hơn dự kiến ở những nơi khác hay không.
Đối với các vụ thu hoạch tiếp theo trong năm nay và vào năm 2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sẽ có một vụ mùa đậu tương toàn cầu kỷ lục, nhưng điều đó sẽ dựa vào tiến độ cao nhất sản lượng từ Brazil và Mỹ và sản lượng lớn nhất từ Argentina kể từ năm 2018. Đối với ngô và lúa mì, sản lượng dự kiến sẽ thấp hơn so với vụ mùa trước.
Để sản lượng quay trở lại mức của những năm trước, cả hai bán cầu sẽ cần những vụ thu hoạch bội thu, nhưng đây cũng là điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2013 - 2014. Loại hình thời tiết La Nina kéo dài tiếp tục ảnh hưởng đến mùa màng ở các khu vực của Nam Mỹ, khiến nó ít có khả năng xảy ra hơn trong năm nay.
“Lý tưởng nhất là chúng ta sẽ thấy mẹ thiên nhiên hợp tác ở cả hai bán cầu trong suốt 12 tháng”, nhà phân tích Ben Buckner cho biết.