Diễn biến trên thị trường hàng hóa toàn cầu nóng hơn bao giờ hết, dầu tăng, phân tăng, điện nước tăng... thì dường như giá lương thực tăng là một điều hiển nhiên.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), trong năm 2021, chỉ số lương thực của tổ chức này đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức trung bình 125,7 điểm, lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Xuất phát từ tình trạng thu hoạch giảm sút, trong khi nhu cầu về lương thực lại tăng mạnh. Đặc biệt, xung đột giữa Nga-Ukraine đã đẩy giá lương thực trên toàn thế giới tăng mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, giá lương thực đã cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây. Cụ thể, so với tháng trước, đậu nành giảm 17%, dầu cọ giảm 37%... Điều này chủ yếu do thời tiết thuận lợi hơn so với năm 2021, dẫn đến sản lượng thu hoạch ở các quốc gia tăng theo. Mặc dù sự sụt giảm này vẫn đang ở mức nền cao nhưng đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất.
Vậy, đâu là những ngành được hưởng lợi từ đà tụt giảm của giá lương thực?
Ngành chăn nuôi
Với đặc thù của ngành, chi phí thức ăn chăn nuôi là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới số lượng đàn giống (chi phí hiện chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất). Trong cơ cấu thức ăn chăn nuôi, ngô là loại nguyên liệu chính chiếm tỷ trọng lớn nhất (55 - 60%), đậu nành theo sau với khoảng 20% và lúa mì chỉ chiếm một lượng nhỏ.
Giá ngô thế giới liên tục tăng mạnh và tiến dần đến mức đỉnh, đạt 816 USD/BU trong nửa đầu năm 2022. Điều này xuất phát từ tình hình sụt giảm mạnh mẽ của sản lượng ngô Brazil, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngô cho ngành sản xuất ethanol tại Mỹ/Brazil tăng mạnh. Đặc biệt, xung đột Nga-Ukraine đã góp phần thúc đẩy giá ngô tăng cao hơn nữa.
Tính đến thời điểm hiện nay, mặc dù giá ngô vẫn giao dịch tương đương mức đỉnh cùng kỳ năm ngoái, đạt 733 USD/BU, nhưng trên thực tế đã có sự giảm nhiệt so với tháng trước.
Đối với đậu nành, mặt hàng này cũng có diễn biến tương tự so với ngô. Theo đó, giá đậu nành đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, chỉ số giá đậu nành có xu hướng giảm sâu hơn so với chỉ số giá ngô, trong vòng 1 tháng đã sụt giảm gần 20%.
Hiện nay, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng đậu nành thế giới mùa vụ 2022 - 2023 sẽ đạt 395,4 triệu tấn (tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái) nhờ thời tiết thuận lợi hơn mùa vụ năm trước. Vì vậy, nhiều khả năng giá đậu nành thế giới tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Giá đậu nành và giá ngô thế giới sụt giảm là dấu hiệu tích cực cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Với 90% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu chủ yếu từ 3 thị trường Argentina, Ấn Độ và Brazil (92,3% thị phần), giá ngô và giá đậu nành hạ nhiệt sẽ làm giảm gánh nặng về chi phí đối với ngành chăn nuôi trong nước, qua đó, tác động đến biên lãi gộp của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp có quy mô lớn, kỳ vọng tăng trưởng cao như DBC, MML...
Nguồn: Wichart.vn |
Giá đậu nành thế giới sụt giảm gần 20% từ mức đỉnh (tháng 6/2022) |
Ngành sữa
Đối với thị trường sữa thế giới, sự sụt giảm của giá thức ăn chăn nuôi đã góp phần thúc đẩy chi phí sản xuất giảm, bao gồm sữa tươi nguyên liệu và sữa bột nguyên kem. Cụ thể, giá sữa bột nguyên kem giao dịch ở mức 3,961 USD/MT,FAS, giảm hơn 17% so với tháng 3/2022.
Mặc dù đây là mức nền cao, nhưng đã chững lại trong 1-2 tháng qua. Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, giá sữa bột nguyên kem trong những tháng cuối năm khó có thể tăng cao trở lại, bởi lẽ, tốc độ tăng trưởng sữa trên mỗi con bò thấp hơn so với mức dự kiến, đồng thời, nhu cầu nhập khẩu sữa bột nguyên kem từ Trung Quốc sụt giảm.
Đối với thị trường sữa trong nước, giá thức ăn chăn nuôi và giá sữa bột nguyên kem là yếu tố ảnh hưởng lớn đến chi phí nguyên vật liệu. Theo thông tin đã phân tích, giá sữa bột nguyên kem mà doanh nghiệp sữa Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài đang cho thấy tín hiệu suy giảm.
Điển hình, CTCP Sữa Việt Nam (mã chứng khoán VNM) với khoảng 60% nguyên liệu đầu vào là sữa bột nguyên kem, sẽ hưởng lợi từ sự sụt giảm giá này. Mặc dù rất khó khẳng định đây là đà giảm bền vững, nhưng vẫn là tín hiệu tích cực để VNM có thể cải thiện biên lợi nhuận. Tuy nhiên, thời gian phản ánh lên lợi nhuận của VNM sẽ có độ trễ hơn.
Theo ban lãnh đạo của VNM, hiện giá nguyên vật liệu đã được doanh nghiệp ấn định cho đến hết tháng 8/2022. Như vậy, biên gộp của VNM sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất vào quý II/2022 và sẽ phục hồi kể từ giai đoạn sau quý III/2022.
Nguồn: Wichart.vn |
Độ tương quan giữa giá sữa bột nguyên kem (USD/MT,FAS) và biên gộp VNM (%) |
Ngành dầu thực vật
Giá dầu cọ thế giới gần như tăng thẳng đứng trong tháng 3/2022, lên mức đỉnh trên 8,160 MYR/tấn, nhưng đã sụt giảm hơn 50% chỉ sau hơn 4 tháng và trở về mức 4,121 MYR/tấn, đây là mức giao dịch ngang với cùng kỳ năm trước. Lý giải cho điều này, do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, cùng với đó chính phủ Malaysia có chính sách tăng hạn ngạch xuất khẩu dầu cọ lên gấp 7 lần số lần bán trong nước (so với 5 lần trước đây).
Đồng thời, theo Ban dầu cọ Malaysia (MPOB), dự trữ dầu cọ cuối tháng 6 của Malaysia đã tăng 8,76% so với tháng trước lên 1,66 triệu tấn. Vì vậy, giá dầu cọ thế giới sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm.
Đối với Việt Nam, ngành dầu thực vật phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu dầu cọ nhập khẩu từ nước ngoài (chiếm đến 90%), chủ yếu nhập khẩu từ Malaysia. Do đó, sự biến động của giá dầu cọ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất dầu thực vật nước ta.
Nổi bật, CTCP Tập đoàn KIDO (KDC - sàn HOSE) với mảng kinh doanh chính là dầu ăn (chiếm 80% cơ cấu doanh thu), nhờ lợi thế liên doanh cùng nhà sản xuất nguyên liệu tại nước ngoài, KDC được hưởng mức chiết khấu từ 3 - 5% so với giá thị trường. Điều này sẽ giúp mảng dầu ăn của KDC có lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác trong ngành.
Giá dầu cọ thế giới sụt giảm mạnh kể từ T6/2022 . Nguồn: Wichart.vn |