Nga và Ukraine cung cấp gần 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới và kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các cảng trên Biển Đen đã đi vào bế tắc. Kết quả là giá lúa mì đã tăng lên mức cao kỷ lục, vượt qua cả mức cao trong cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008.
“Nếu nông dân ở Ukraine không bắt đầu trồng lúa mì sớm thì sẽ có một cuộc khủng hoảng lớn đối với an ninh lương thực. Nếu sản lượng lương thực của Ukraine giảm trong mùa tới, giá lúa mì có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba”, một người dân Hà Lan và là thành viên của một liên minh nông nghiệp cho biết.
Các chuyên gia nông nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đã cảnh báo về tác động của việc chậm giao hàng đối với các quốc gia phụ thuộc vào khu vực đối với lúa mì, ngũ cốc, dầu hướng dương và lúa mạch.
“Họ sẽ phải tìm các nhà cung cấp khác nhau và tất cả điều đó đồng nghĩa với việc giá cao hơn”, Joseph Glauber, cựu nhà kinh tế trưởng tại Bộ Nông nghiệp Mỹ và là thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn chính sách nông nghiệp IFPRI cho biết.
Các nhà phân tích và các tổ chức viện trợ lương thực cảnh báo rằng, việc tăng giá sẽ thúc đẩy lạm phát lương thực tăng vọt - đã ở mức cao nhất trong 7 năm là 7,8% vào tháng 1 - và tác động lớn nhất sẽ là đối với an ninh lương thực của các nhà nhập khẩu ngũ cốc.
Ukraine chiếm 90% nhập khẩu lúa mì của Lebanon và là nhà cung cấp hàng đầu cho các nước bao gồm Somalia, Syria và Libya.
James Swanston, nhà kinh tế học thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết: “Những quốc gia thực sự đang gặp khó khăn với hóa đơn nhập khẩu vốn đã cao và điều này sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc nhằm thu mua ngũ cốc và lương thực để phân phối cho các nước nghèo hơn cho biết đã mua chỉ dưới 1,4 triệu tấn lúa mì vào năm ngoái, trong đó 70% đến từ Ukraine và Nga.
Trước khi xảy ra cuộc xung đột, giá lúa mì cũng đã tăng 30% do tình hình thu hoạch kém ở Canada, Mỹ và Argentina. Liên Hợp Quốc cho biết, đợt tăng giá ngũ cốc gần đây nhất sẽ tiếp tục hạn chế khả năng cung cấp viện trợ của tổ chức này.
Các nhà phân tích cho biết, giá lương thực cao có thể gây ra tình trạng bất ổn.
Lần cuối cùng giá lúa mì tăng vọt lên mức này là vào năm 2007 và 2008 do sản lượng sụt giảm nghiêm trọng ở các nước sản xuất hàng đầu như Úc và Nga, các cuộc biểu tình đã lan rộng qua gần 40 quốc gia từ Haiti đến Bờ Biển Ngà, trong khi giá ngũ cốc tăng vọt vào năm 2009 - 2010 được coi là một trong những tác nhân gây ra các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập ở Trung Đông.
Nga chiếm 2/3 lượng lúa mì nhập khẩu của Ai Cập. Các nhà chức trách Ai Cập cho biết, tồn kho lúa mì của họ sẽ kéo dài đến giữa tháng 6 và vụ thu hoạch địa phương của Ai Cập sẽ bắt đầu vào giữa tháng 4. “Bất kỳ sự gia tăng nào về giá bánh mì và sự gia tăng lạm phát lương thực ở Ai Cập đều làm tăng mối đe dọa về bất ổn xã hội”, nhà kinh tế Swanston cho biết.
Các nhà phân tích cho biết, cũng không rõ cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu và một thực tế cho thấy rằng nhiều yếu tố đang thúc đẩy giá cả. Tim Worledge tại Agricensus, cơ quan định giá và dữ liệu nông nghiệp cho biết: “Thị trường đang lo lắng rằng đây không phải là vấn đề sẽ sớm được giải quyết”.
Các bộ trưởng nông nghiệp EU trong tuần qua đã thảo luận về việc cho phép nông dân tăng cường sản xuất bằng cách sử dụng 10% diện tích đất mà họ thường bỏ hoang để đáp ứng nhu cầu.
Trong ngắn hạn, những người nông dân Ukraine đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng và có thể phải vất vả để rải phân bón, thuốc trừ sâu và gieo hạt cho vụ xuân. Vụ mùa tiếp theo là vào mùa hè châu Âu. Thu hoạch đó sẽ phụ thuộc vào xung đột với Nga kéo dài bao lâu và việc xuất khẩu qua các cảng sẽ bị chặn trong bao lâu.