Nhiều kết quả khả quan
Năm 2023, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, xung đột quân sự giữa các nước gia tăng; ảnh hưởng hậu Covid-19…, nhưng tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với năm 2022, như: tổng diện tích gieo trồng ước đạt 587.199 ha, tăng 2,98%; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 34.360 tỷ đồng, tăng 7,18%; giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 31.620 tỷ đồng, tăng 9,45%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 42.000 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tăng 9,28%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 108.000 tỷ đồng, tăng 20,48%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 680 triệu USD, tăng 3,03%.
Xác định quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm định hướng, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch; trước mắt là Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh đã đón trên 1,15 triệu lượt khách du lịch, tăng 19,8% so với năm 2022, vượt 4,6% chỉ tiêu kế hoạch. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai đồng bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để triển khai tốt hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; lựa chọn những điểm nghẽn để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ; chủ động hơn trong việc tổ chức triển khai thực hiện đối với các vấn đề mới phát sinh, chưa có tiền lệ..
Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế
Gia Lai đặt mục tiêu năm 2024 đạt tốc độ tăng GRDP 8,6%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.815 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 46.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 123.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, nếu kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, thì trong năm 2024, tỉnh sẽ đưa vào vận hành khoảng 700 MW từ các nhà máy thủy điện và điện gió. Điều này sẽ đóng góp lớn vào giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng của tỉnh. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2024, Khu công nghiệp Nam Pleiku sẽ đi vào hoạt động; các cụm công nghiệp cũng sẽ triển khai xây dựng để thu hút các dự án nhà máy chế biến…, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
UBND tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp chủ yếu như đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả gắn với thị trường tiêu thụ và các nhà máy chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các loại cây trồng chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu…). Cùng với đó, tỉnh sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông, lâm sản tại các địa phương; tập trung đưa vào vận hành 962 MW từ các dự án điện gió và Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng.
Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để kịp thời giao vốn, đảm bảo triển khai các dự án ngay từ những tháng đầu năm 2024; chủ động rà soát, cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm hoặc chưa triển khai sang dự án có khối lượng, có nhu cầu bổ sung vốn để thi công…
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Xác định quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm định hướng, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch; trước mắt là Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch 3 loại rừng; Quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku; các quy hoạch vùng; quy hoạch phân khu chức năng; quy hoạch chi tiết; kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, khắc phục triệt để việc chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất”.
Tại Kỳ họp thứ 15 HĐND khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thẳng thắn nhìn nhận và có giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp, khả thi, quyết liệt hơn để tập trung tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn, khắc phục sự chậm trễ, chồng chéo, vướng mắc nhằm tạo ra đột phá vượt bậc trong việc thực hiện các chỉ tiêu trong năm 2024. Đặc biệt, người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với tình hình mới để khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 đã đề ra.