Theo thống kê của SSI, nhu cầu điện năng trên toàn quốc ghi nhận mức tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ trong tháng 8/2022 và 6,5% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tăng trưởng nhu cầu điện năng trong tháng 8/2022 phản ánh mức cơ sở so sánh thấp trong nửa cuối năm 2021, đồng thời cũng dẫn dắt bởi mức tăng trưởng 15,6% so với cùng kỳ của chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2022 (tăng 9,4% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022). Do đó, nhóm nghiên cứu dự báo nhu cầu điện trên toàn quốc năm 2022 có thể tăng 8% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, theo NOAA, điều kiện thủy văn có thể kém thuận lợi hơn vào năm 2023. Hiện tượng La Nina kéo dài khoảng 30 tháng nếu tính tới cuối năm 2022 và tương đương với thống kê trong giai đoạn 1950 - 2019 (ngoại trừ giai đoạn La Nina kéo dài 42 tháng từ tháng 7/1998 đến tháng 12/2001).
“Trong trường hợp điều kiện thủy văn kém thuận lợi và giá khí điều chỉnh vào năm 2023, các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện khí có thể được huy động cao hơn”, báo cáo khẳng định.
Giá than nhiệt tăng cao trong khi giá khí điều chỉnh giảm
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), tình trạng thiếu khí gần đây ở EU đã làm tăng nhu cầu nhiệt điện than và đang thúc đẩy giá than tăng lên.
SSI thông tin thêm, giá than trộn của Vinacomin đã tăng khoảng 30 - 35% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022. Qua trao đổi với Genco2 và Genco3, Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) và Nhiệt điện Hải Phòng (HND), SSI chưa thấy việc điều chỉnh tăng thêm về giá than trộn. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn cho rằng, giá than trộn trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng do giá than trong khu vực tăng cao.
SSI đưa ra giả định, giá FO năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 500 USD/tấn (tăng 28% so với cùng kỳ) và 430 USD/tấn (giảm 14% so với cùng kỳ). Được biết, công thức tính giá khí cho các nhà máy điện khí là bình quân gia quyền 46%*giá FO và giá khí của mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt. Như vậy, giá khí năm 2022 và năm 2023 cho NT2 được giả định lần lượt ở mức 9,04 USD/mbtu (tăng 17% so với cùng kỳ) và 8,53 USD/mbtu (giảm 6% so với cùng kỳ).
“Giá khí điều chỉnh sẽ giúp thu hẹp chênh lệch giá bán bình quân giữa nhiệt điện khí và nhiệt điện than. Với đà giảm của giá khí, các nhà máy nhiệt điện khí sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với nhiệt điện than”, báo cáo nhấn mạnh.
Mặt khác, giá điện trên thị trường cạnh tranh (giá CGM) có thể vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Giá CGM trong tháng 8/2022 ước tính vào khoảng 1.390 đồng/kwh (tăng 4% so với tháng trước và tăng 39% so với cùng kỳ). Mức giá CGM trong 8 tháng đầu năm 2022 là 1.427 đồng/kwh (tăng 35% so với cùng kỳ).
Với việc giá than đầu vào cho nhiệt điện than tăng lên và nhu cầu điện trên toàn quốc tiếp tục phục hồi, giá CGM có thể duy trì mức giá của tháng 8/2022 trong 4 tháng tới và giá CGM trung bình cả năm 2022 có thể đạt 1.400 đồng/kwh (tăng 41% so với cùng kỳ). Do đó, SSI điều chỉnh tăng 5% cho dự báo giá CGM năm 2022, lên mức 1.370 đồng/kwh.
Từ những phân tích trên, SSI nhận định, NT2 sẽ được hưởng lợi từ đà giảm của giá khí.
SSI điều chỉnh tăng 7% dự báo sản lượng điện và tăng 5% dự báo giá CGM, qua đó tăng 12% đối với ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2022 của NT2 lên mức 835 tỷ đồng (tăng 58% so với cùng kỳ). Công ty có thể nhận lại khoản chênh lệch tỷ giá giai đoạn 2015- 2019 khoảng 240 tỷ đồng vào nửa cuối năm 2022.
Mặt khác, giá khí giảm và giá than tăng cao đã thu hẹp chênh lệch giá bán bình quân giữa nhà máy nhiệt điện khí và nhà máy nhiệt điện than. Điều này có thể giúp tăng sức cạnh tranh cho các nhà máy điện khí và NT2 trên thị trường điện.
Nhóm phân tích cũng tăng dự báo tỷ lệ cổ tức năm 2022 của NT2 từ 15% mệnh giá lên 20% mệnh giá, tương ứng là tỷ suất cổ tức ở mức 7,2%, so với các công ty cùng ngành là 4,3%. Ngoài ra, NT2 có tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu ở mức thấp nhất, điều này có thể đảm bảo an toàn cho NT2 trong bối cảnh rủi ro lãi suất cho vay tăng lên.