Giá khí đốt tăng trở thành rủi ro khó lường cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Giá khí đốt tăng trở thành rủi ro khó lường cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá khí đốt tăng khi mùa Đông đến gần làm tổn hại đến tiêu dùng, gây áp lực lạm phát vốn đã tăng mạnh trong thời gian qua và ngáng chân đà hôi phục của kinh tế toàn cầu sau cú sốc Covid-19.

Sự hỗn loạn của thị trường khí đốt đã khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng hơn 280% và tăng hơn 100% ở Mỹ trong năm nay. Bất kể nguyên nhân là gì, sự gia tăng này mang lại những tác động rất lớn tới thị trường.

Kinh tế bị tác động

Các nhà phân tích cho rằng, còn quá sớm để hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, nhưng tác động của giá khí đốt tăng cao đến hoạt động kinh tế là không thể tránh khỏi.

Morgan Stanley cho rằng, giá khí đốt tăng cao chỉ tác động nhỏ tới nền kinh tế Mỹ, dù hơn 30% năng lượng tiêu thụ của Mỹ vào năm 2020 được cung cấp bởi khí đốt tự nhiên, trong đó lĩnh vực công nghiệp là đối tượng sử dụng chủ yếu.

Mặc dù vậy, giá khí đốt cao hơn nhìn chung sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát cao đi kèm với tăng trưởng thấp.

Michael Hewson, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại CMC Markets cho biết: “Rõ ràng là ngày càng có nhiều nghi ngại về triển vọng phục hồi kinh tế trước viễn cảnh chi phí gia tăng”.

Lạm phát

Giá bán buôn điện tại khu vực EU đang ở mức cao kỷ lục và điều này có khả năng làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát do tắc nghẽn nguồn cung liên quan đến Covid-19.

Giá giao tại cổng nhà máy (Factory Gate Pricing) ở Đức đã lên mức cao nhất kể từ năm 1974. Trong khi đó, các nhà phân tích của Citi dự đoán giá điện và khí đốt sẽ tăng 5% vào tháng 1/2022 và thêm 0,25% vào lạm phát tiêu dùng trong năm tới.

Chi phí thực phẩm cao hơn là một tác dụng phụ khác do sự thiếu hụt CO2 được sử dụng trong các lò giết mổ và để kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm. Việc cắt giảm sản xuất phân bón cũng có thể làm tăng giá lương thực.

Goldman Sachs cũng dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng cao hơn, với dự báo giá dầu Brent trong quý IV có thể tăng thêm 5 USD/thùng so với dự báo trước đó là 80 USD/thùng. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức khoảng 74 USD/thùng.

Các ngân hàng trung ương bị đặt vào thế khó

Piet Haines Christiansen, chiến lược gia trưởng tại Danske Bank cho biết: “Nếu chúng ta có lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm hơn, đó sẽ là một tình huống rất khó khăn cho thị trường và ngân hàng trung ương để đánh giá, điều hướng và truyền tải thông điệp”.

Các cuộc họp của ngân hàng trung ương trong tuần này có thể kiểm tra quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách. Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào thứ Năm (23/9) sẽ là tiêu điểm do lạm phát ở Anh vừa đạt mức cao nhất trong 9 năm.

Theo Susannah Streeter, nhà phân tích cấp cao của Hargreaves Lansdown cho biết, với lạm phát giá sản xuất ở Anh tăng vọt, chi phí vận chuyển không có dấu hiệu hạ nhiệt, giá hàng hóa tăng cao thì khả năng giá cao hơn sẽ còn tồn tại lâu hơn nữa.

"Nếu điều đó diễn ra, nhiều thành viên của BoE có thể nhanh chóng tiến hành bỏ phiếu cho việc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến ​​vào năm tới”, nhà phân tích Susannah Streeter cho biết.

Gói hỗ trợ của chính phủ

Anh đang xem xét cung cấp các khoản vay do nhà nước hậu thuẫn cho các công ty năng lượng sau khi các nhà cung cấp lớn yêu cầu hỗ trợ để trang trải chi phí do tác động của giá khí đốt.

Trong khi đó, Pháp có kế hoạch thanh toán 100 euro (118 USD) một lần cho hàng triệu hộ gia đình để giúp thanh toán hóa đơn năng lượng.

Althea Spinozzi, chiến lược gia cấp cao về thu nhập cố định tại Ngân hàng Saxo cho biết: “Câu chuyện nổi lên từ lĩnh vực năng lượng của Anh sẽ sớm trở thành tâm điểm chú ý của thị trường châu Âu hơn là Evergrande”.

Các doanh nghiệp cũng chịu tác động

Tuần trước, Tây Ban Nha đã gây sốc khi giới hạn các công ty năng lượng tăng giá khí đốt. Quyết định này thổi bay hàng tỷ đồng lợi nhuận của các công ty năng lượng và khiến cổ phiếu của các công ty này bị bán tháo mạnh.

"Chúng tôi sẽ lấy đi những khoản lợi nhuận bất thường mà các công ty năng lượng đang kiếm được để bù đắp cho người tiêu dùng", Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai (20/9).

Morgan Stanley cho biết, các nhà đầu tư đã lo lắng về động thái này sẽ có sự lây lan sang các nước khác. Đây là những lo ngại đó có phần phóng đại quá mức, nhưng các công ty tiện ích châu Âu có nguy cơ bị siết biên lợi nhuận trong những tháng tới.

Tin bài liên quan