Giá khí đốt cao, lo ngại an ninh năng lượng cản trở quá trình khử carbon

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các giám đốc điều hành năng lượng cho biết, an ninh năng lượng đã trở thành ưu tiên hàng đầu đang cản trở việc thúc đẩy quá trình khử carbon.
Giá khí đốt cao, lo ngại an ninh năng lượng cản trở quá trình khử carbon

Châu Âu đang nhập khẩu khối lượng kỷ lục khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nhà cung cấp hàng đầu Nga, nhưng đã bị gián đoạn sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều đó đã đẩy giá LNG ở châu Âu và châu Á lên mức cao kỷ lục vào đầu năm nay, làm gia tăng áp lực lạm phát và làm chậm lại nỗ lực chuyển sang sử dụng khí đốt từ than đá của các quốc gia để giảm ô nhiễm và khí thải carbon.

"Xung đột địa chính trị đã khiến thị trường khí đốt trở nên bất ổn", Yalan Li, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn khí đốt Bắc Kinh cho biết tại Hội nghị khí đốt thế giới.

Bà nói thêm rằng, giá khí đốt cao đến mức không thể chấp nhận được đối với người sử dụng, tạo ra khả năng sử dụng than trở lại cao hơn. Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên bị thắt chặt đặc biệt là trong mùa đông cũng đã làm suy yếu niềm tin của các chính phủ và người dùng trong việc chuyển đổi sang khí đốt.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới trong năm ngoái cũng phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng gần một nửa nhu cầu khí đốt của mình. Tuy nhiên, nhập khẩu của nước này được dự báo sẽ giảm trong năm nay do nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới chuyển sang than rẻ hơn.

Tương tự, Ấn Độ, một thị trường tăng trưởng quan trọng khác của LNG, cũng đang sử dụng nhiều than hơn và giảm mua LNG giao ngay do giá cao.

Các nhà điều hành đã kêu gọi thêm nguồn tài chính và đầu tư vào lĩnh vực dầu khí để thúc đẩy nguồn cung và ổn định giá cả nhằm duy trì đà chuyển đổi từ than sang khí trong những năm gần đây.

“Ổn định giá khí đốt là ưu tiên hàng đầu của ngành vì giá cả và sự biến động ở mức cao không thể chấp nhận được đối với người mua”, Giám đốc điều hành của Korea Gas Corp (KOGAS), Chae Hee-bong cho biết.

“Nếu tình trạng hiện tại kéo dài, một số chuyên gia cho rằng nó sẽ dẫn đến sự phá hủy nhu cầu, đặc biệt là ở các nước mới nổi”, ông cho biết đồng thời cho rằng giá cả cần phải ổn định để đảm bảo nhu cầu sẽ tăng trưởng trong dài hạn.

Phó Chủ tịch SK E&S Yu Jeong-joon kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ nhiều hơn cho việc chuyển dịch sang khí đốt của các nước đang phát triển.

Tại Nhật Bản, nguồn cung cấp LNG từ Sakhalin-2 của Nga vẫn đang chảy mặc dù lo ngại về sự gián đoạn nhưng Tokyo đã tăng cường nỗ lực đa dạng hóa và đầu tư vào nguồn cung cấp ở những nơi khác.

“Thế giới đang cố gắng tiến tới khử cacbon và chúng tôi thực sự cố gắng đảm bảo năng lượng bền vững nhưng chúng tôi phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng trong việc đạt được nó”, Yukio Kani, Giám đốc điều hành của nhà nhà sản xuất nhiệt điện lớn nhất tại Nhật Bản JERA cho biết và nhấn mạnh nhu cầu đảm bảo nguồn cung cấp.

Ông Kani cho biết giá cao đã cản trở những người mua LNG tiềm năng ở các nước đang phát triển. JERA cũng đang đầu tư vào các dự án điện chạy bằng khí đốt ở Bangladesh và Philippines.

Tin bài liên quan