Email mạo danh Citizens Bank yêu cầu chị Mỹ gửi hóa đơn chứng minh đã chuyển hàng để nhận tiền.

Email mạo danh Citizens Bank yêu cầu chị Mỹ gửi hóa đơn chứng minh đã chuyển hàng để nhận tiền.

Giả khách sộp lừa mua hàng thanh lý giá cao

Chiêu lừa đã có tại Mỹ hơn chục năm xuất hiện tại Việt Nam trong mùa Tết khi nhiều người cần bán lại quà trúng thưởng cuối năm.

Trúng một chiếc điện thoại iPhone XS Max Gold 512GB trong tiệc tất niên, chị Thanh Mỹ (Bình Thạnh, TP HCM) quyết định đăng tin bán lại trên một trang rao vặt với giá 35 triệu đồng.

"Tôi tra trên mạng thấy có cửa hàng bán tầm 40 triệu đồng nên quyết định rao bán lại với giá mềm để lấy tiền ăn Tết. Tôi bất ngờ và vui mừng vì một vị khách nước ngoài nhắn tin chấp nhận mua giá 1.800 USD (khoảng 41,5 triệu đồng)", chị Mỹ kể lại.

Không hỏi chi tiết hay trả giá, vị khách xưng tên Cody chỉ yêu cầu chị Mỹ cung cấp số tài khoản ngân hàng, địa chỉ email và số điện thoại để thực hiện chuyển tiền. Sau khi cung cấp, chị nhận được 2 email xưng của ngân hàng Citizens Bank (Mỹ) với nội dung thông báo ông Cody đã chuyển tiền cho chị nhưng ngân hàng đang tạm giữ số tiền. Để được nhận tiền, chị Mỹ phải cung cấp bản chụp giấy tờ chứng minh đã gửi món hàng đi theo địa chị ông Cody cung cấp.

"Đến bước này, tôi cảm thấy nghi ngờ ông khách 'không hỏi, đòi giảm giá hay bắt chịu phí vận chuyển' như mỗi lần tôi rao bán thanh lý đồ. Ngoài ra, tôi xem địa chỉ đuôi email không phải đuôi được công bố trên website của Citizens Bank nên không phản hồi nữa", chị kể lại.

Hai email chị Mỹ nhận được có tên Citizensbank, nhưng đuôi địa chỉ lại là @consultant.com. Trong khi đó, trên mục cảnh báo khách hàng của ngân hàng này, địa chỉ email của ngân hàng có đuôi @citizensbank.com. "Chúng tôi sẽ không bao giờ email hoặc gửi liên lạc điện tử với bạn để yêu cầu thông tin cá nhân nhạy cảm hay tài khoản cá nhân, qua Internet hay bất kỳ phương tiện nào", website của ngân hàng ghi rõ.

Không phản hồi 'khách sộp' Cody, chị Mỹ nhận thêm khoảng 5 lời chào mua hào phóng với yêu cầu tương tự. Tuy nhiên, cuối cùng, chị chỉ bán chiếc điện thoại với giá chưa đến 30 triệu đồng cho một khách đến tận nơi kiểm tra và trả giá kiên nhẫn ngay tại TP HCM.

"Những khách nước ngoài đều nhắn tin câu cú ngữ pháp rất chỉn chu, không giống văn phong trò chuyện thông thường nên rất đáng ngờ", chị nói.

Cũng rao bán một chiếc iPhone XS Max khác, anh Văn Tân (quận 8, TP HCM) nhận được 4 lời đề nghị mua lại giá cao với những người xưng tên nước ngoài. Dù nghi ngờ nhưng anh cũng thử trao đổi với một vị khách nữ có tên Michelle. Vị khách bảo muốn mua chiếc điện thoại và nhờ gửi ra một địa chỉ tại Hà Nội, làm quà bất ngờ cho người em họ ở Việt Nam.

"Vị khách cho địa chỉ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tôi lên bản đồ thì thấy đó là trụ sở một cơ quan nhà nước. Tôi vờ hỏi địa chỉ này là nhà riêng hay văn phòng thì bảo là nhà riêng. Tôi đưa địa chỉ và tên cơ quan ra thì bảo 'em họ cho sao thì biết vậy'. Tôi hỏi thêm 'vậy người em đó làm nghề gì', có làm cơ quan này không thì vị khách im lặng không phản hồi nữa", anh Tân kể.

Trao đổi với VnExpress, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng Athena khuyên nên cảnh giác với những lời chào mua những món hàng được rao bán giá trị.

"Các ngân hàng có dịch vụ xác nhận thư tín dụng (L/C) cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy trình này phức tạp chứ không phải một email đơn thuần. Các chuyển khoản của người dùng cá nhân thì ngân hàng sẽ không can thiệp, tạm hoãn và yêu cầu xuất trình thông tin như email chị Mỹ đã nhận", ông Thắng nói.

Các diễn đàn của Paypal, Amazon cũng từng thảo thuận về những trường hợp tương tự. Người dùng khi rao bán món hàng giá trị thì có "khách sộp" xuất hiện để mua.

Sau đó, các email cũng có đuôi @consultant.com với phần tên lấy theo các thương hiệu tài chính, trang thương mại điện tử danh tiếng, yêu cầu người bán gửi hàng trước, cung cấp hóa đơn chuyển phát, mã số theo dõi vận chuyển đơn hàng... để được ngân hàng giải ngân số tiền.

Chiêu lừa này được phản ánh cách đây 11 năm trên Paypal Community và được các thành viên Amazon Services Seller Forum chia sẻ cảnh giác cho nhau cách đây 3 năm.

Thực tế, email đuôi @consultant.com là một dịch vụ email miễn phí, bất kỳ ai cũng có thể đăng ký khởi tạo như Gmail. Tuy nhiên, do ít phổ biến và có chữ 'consultant' nên khiến một số người nhầm lẫn.

Tin bài liên quan