Giá hàng hóa sẽ trôi về đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với vai trò là nguồn nguyên liệu chính cung cấp năng lượng cho thế giới, biến động giá của dầu thô có tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế và thị trường hàng hoá.

Cuộc khủng hoảng được dự báo trước

Giá dầu thế giới liên tục tăng từ đầu năm đến nay, hiện đã quay trở lại vùng giá 80 USD/thùng, ghi nhận mức tăng ấn tượng trên 65%. Lần gần đây nhất, giá dầu vượt qua vùng giá này là thời kỳ tháng 9/2010 – 10/2014 và trước đó là giai đoạn tháng 9/2007 – 10/2014. Tuy nhiên, nguyên nhân thúc đẩy giá tăng trong năm nay có phần khác biệt, gây ảnh hưởng phức tạp đến kinh tế thế giới.

Khi giá dầu vẫn còn duy trì ở vùng 40 - 50 USD/thùng và tồn kho dầu thế giới vẫn còn đang dư thừa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt đầu tư vào các giếng dầu mới.

Do tác động của đại dịch, các khoản vốn dành cho nhiên liệu hoá thạch ngày càng bị cắt giảm và do xu hướng chuyển đổi sang năng lượng xanh, các ngân hàng và tổ chức tài chính ngày càng ngần ngại cấp vốn cho các dự án khai thác dầu.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ quyết định giữ lại công suất gần 5 triệu thùng dầu/ngày, thay vì tung ra thị trường.

Sức ép lên nhiều hàng hóa

Với vai trò là nhiên liệu chính cho các hoạt động sản xuất, giá dầu tăng đang gây sức ép lên nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu, do nguy cơ lạm phát tăng cao.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới phát hành đầu tháng 10/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 với một loạt quốc gia phát triển, trong đó nổi bật là các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức… chính là những nước nhập khẩu nhiều năng lượng.

Trong khi đó, kinh tế nhóm nước xuất khẩu, dẫn đầu là Nga và Saudi Arabia, đều được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong cuối năm, hưởng lợi từ giá nhiên liệu tăng.

Đối với thị trường hàng hoá, giá dầu có tác động lớn nhất đến giá kim loại, gần 50% chi phí sản xuất các mặt hàng sắt thép, nhôm, đồng đến từ giá nhiên liệu. Do đó, giá các mặt hàng này trên cả thị trường tương lai lẫn thị trường hàng vật chất phần nào được hỗ trợ theo giá dầu.

Tuy nhiên, tác động đến sắt thép khá đặc biệt, do quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép chính trên thế giới là Trung Quốc chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề từ khủng hoảng năng lượng.

Giá các mặt hàng năng lượng, trong đó có dầu thô, tăng cao khiến cho các nhà máy sản xuất điện buộc phải hạn chế sản lượng để kiểm soát chi phí đầu vào, khiến tình trạng thiếu hụt diễn ra trên diện rộng, buộc nhiều nhà máy ngừng sản xuất, khiến cho nước này phải giảm bớt tiêu thụ lẫn sản xuất thép.

Tính từ đầu năm đến giờ, nhập khẩu sắt của Trung Quốc đã vượt 2% so với định mức, do đó các công ty bắt buộc phải giảm thu mua trong 3 tháng cuối năm. Do đó, đà tăng của sắt bị hạn chế.

Giá quặng sắt đã phục hồi từ đáy tháng 9, tuy nhiên, mức tăng thấp hơn rất nhiều các kim loại cùng nhóm như đồng và nhôm. Giá thép cuộn Hoà Phát CB280 ngày 22/10/2021 đạt 16.700 đồng/kg, tăng 2,8% so với mức đáy tháng 9, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 18.270 đồng/kg trong tháng 5.

Với tình hình hiện tại, có thể kỳ vọng giá sắt thép Việt Nam sẽ giữ ở mức tương đối ổn định trong cuối năm.

Khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tại Trung Quốc cũng khiến cho nước này buộc phải giảm sản lượng phân bón, khiến cho giá phân bón xuất khẩu trên thế giới tăng cao. Tính bình quân, giá phân bón ở nhiều nước trên thế giới đã tăng gấp đôi so với đầu năm.

Các tổ chức lớn như IEA cho rằng, phải đến đầu năm sau thị trường năng lượng mới ổn định trở lại. Với tình hình hiện tại, nhiều khả năng giá phân bón sẽ tiếp tục tăng trong vụ lúa đông-xuân năm nay.

Chi phí cho phân bón chiếm tới hơn 20% giá thành sản xuất, trong khi tính từ đầu năm đến nay giá các mặt hàng đã tăng 60 – 80%. Với tình hình này, tại một số khu vực phía Nam, một số nông dân đã có kế hoạch hoãn vụ đông. Điều này có thể khiến cho giá thực phẩm tăng lên trong thời gian tới.

Tin bài liên quan