Phiên giao dịch khởi sắc diễn ra khi thị trường đón nhận báo cáo niềm tin tiêu dùng. Kết quả khảo sát được Đại học Michigan công bố cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ chạm mức thấp kỷ lục 50 điểm trong tháng 6, nhưng kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới giảm về mốc 5,3%.
Trong khi đó, dữ liệu sơ bộ vào đầu tháng này có ý nghĩa then chốt tác động đến việc Fed nâng lãi suất quyết liệt hơn cho thấy kỳ vọng lạm phát ở mức 5,4%.
Bên cạnh đó, giúp xoa dịu nỗi lo lạm phát là giá hàng hóa giảm mạnh trong tuần này với chỉ số TR CC/CRB, đo lường giá năng lượng, nông nghiệp, kim loại và các hàng hóa khác đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng vào thứ Năm, sau khi đạt mức cao nhất trong nhiều năm vào đầu tháng 6.
Phiên này, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 3%, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 5/20220 với tất cả 11 phân ngành chính đều tăng ít nhất hơn 1,5%.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang đánh giá thời điểm thị trường có thể chạm đáy sau khi chỉ số S&P 500 vào đầu tháng này ghi nhận mức giảm 20% so với mức đỉnh tháng 1, xác nhận rơi vào thị trường giá xuống.
Shawn Cruz, Chiến lược gia giao dịch hàng đầu tại TD Ameritrade cho biết, "Đây có thể là một phiên cứu trợ nhỏ. Tôi nghĩ sẽ không khuyến khích bất cứ ai bắt đầu tham gia thị trường nhiều hơn vào lúc này, bởi vì chúng tôi đã chứng kiến điều này nhiều lần và mọi thứ có thể đảo ngược khá nhanh”.
Phố Wall đã tăng vọt trong tuần này và chấm dứt chuỗi ba tuần lao dốc liên tiếp với S&P 500 tăng 6,4%, Dow tăng 5,4% và Nasdaq tăng 7,5%.
Kết thúc phiên 24/6, chỉ số Dow Jones tăng 823,32 điểm (+2,68%), lên 31.500,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 116,01 điểm (+3,06%), lên 3.911,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 375,43 điểm (+3,34%), lên 11.607,62 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng vọt trong ngày thứ Sáu và ghi nhận tuần tăng khá tích cực khi các nhà đầu tư quyết định đặt cược dòng tiền vào tài sản rủi ro, trong bối cảnh ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 2,62% lên 412,93 điểm, phiên giao dịch tốt nhất của nó trong hơn ba tháng.
Điểm chuẩn này đã tăng tới 2,4% trong tuần, chấm dứt chuỗi ba tuần giảm liên tiếp trước đó.
Phiên này, nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, ngân hàng và công nghệ là các lĩnh vực dẫn đầu đà tăng.
Roger Jones, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu của London & Capital cho biết: "Các cuộc thảo luận về suy thoái đã tăng đáng kể và khiến giá hàng hóa hạ nhiệt và khiến trái phiếu tăng. Điều đó chắc chắn đã giúp thị trường chứng khoán”.
Giao dịch vẫn không ổn định trong những ngày gần đây do các nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất tăng và lạm phát tăng cao sẽ làm giảm thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến các nhà giao dịch giảm đặt cược vào việc các ngân hàng trung ương sẽ có thể nâng lãi suất trong chu kỳ này.
Lĩnh vực bán lẻ gần đây đã bị ảnh hưởng mạnh nhất, sau khi dữ liệu cho thấy người tiêu dùng Anh cắt giảm mua sắm trong tháng 5 do lạm phát tăng nhanh và thước đo niềm tin đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng.
Thêm vào những lo lắng, nhà bán lẻ thời trang trực tuyến của Đức Zalando đã đưa ra cảnh báo lợi nhuận suy giảm, khiến giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất trong 7 năm trước khi hồi phục đôi chút về cuối phiên.
Cổ phiếu Saipem của Ý giảm 21,8% sau khi tập đoàn dịch vụ năng lượng cho biết họ chỉ có sẵn nguồn tài chính trong vòng chưa đầy một năm nếu kế hoạch tăng vốn của họ không thành công.
Kết thúc phiên 24/6: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 188,36 điểm (+2,68%), lên 7.208,81 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 205,54 điểm (+1,59%), lên 13.118,13 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 190,02 điểm (+3,23%), lên 6.073,35 điểm.