Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index đo giá của 23 hợp đồng tương lai hàng hoá cơ bản tăng 4,1% trong phiên giao dịch ngày 1/3. Chỉ số này đã tăng gấp hơn 2 lần kể từ mức thấp nhất trong 4 năm qua, được thiết lập vào tháng 3/2020 - thời điểm Covid mới trở thành đại dịch toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt mạnh tay mà Mỹ và các nước đồng minh đang gây áp lực lên Nga, cộng thêm giá cước vận tải biển tăng vọt, nhất là những chuyến tàu chở hàng từ Nga, khiến nhiều giao dịch thương mại với nước này rơi vào tình trạng gần như tê liệt. Nga là nước xuất khẩu lớn nhiều hàng hoá cơ bản quan trọng như dầu thô, khí đốt, ngũ cốc, phân bón và kim loại.
Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, đồng thời tạo ra một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” đối với các ngân hàng trung ương khi họ phải cân nhắc giữa một bên là chống lạm phát với một bên là hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế còn mong manh và nhiều rủi ro.
Xung đột vũ trang diễn ra đúng vào lúc thị trường dầu mỏ đang trong tình trạng cung không đáp ứng đủ nhu cầu của các nền kinh tế lớn đang trên đà phục hồi từ đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York ngày 1/3 vượt mức 105 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Để tuân thủ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, các ngân hàng phương Tây sẽ phải dừng cung cấp tài chính cho các thương vụ có Nga - nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới và là đối tác quan trọng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong liên minh OPEC+.
Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và không những thế, nước này còn chiếm 10% sản lượng dầu toàn cầu, đáp ứng khoảng 25% nhu cầu dầu và 40% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, Nga và Ukraine chiếm hơn 1/4 thị trường xuất khẩu lúa mỳ của thế giới, 1/5 thị trường ngô, 1/5 thị trường lúa mạch, và khoảng 80% thị trường dầu hạt hướng dương. Nhôm từ Nga chiếm khoảng 10% tổng lượng nhôm mà Mỹ nhập khẩu hàng năm.