Các hạn chế của chính quyền Trung Quốc nhằm loại bỏ mọi dấu vết của vi rút trong cộng đồng đã gây áp lực lên mọi lĩnh vực trong nền kinh tế nước này.
Chính quyền Đại lục hiện vẫn giữ vững phương pháp tiếp cận chống dịch Zero Covid. Chủ tịch Tập Cận Bình tuần qua tiếp tục khẳng định: “Công tác phòng ngừa và kiểm soát không thể được nới lỏng”. Chiến lược này, theo đánh giá của các nhà kinh tế học, sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức 5% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu chính thức khoảng 5,5%.
Thực tế, việc đóng cửa các thành phố đang ảnh hưởng đến các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc công bố nhập khẩu hàng hóa chậm chạp trong tháng 3, xuất phát từ việc giá cả tăng cao, hệ quả của xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp thắt chặt tiếp xúc xã hội nhằm hạn chế đà lây lan của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của họ.
Việc mua khí đốt tự nhiên cũng bị ảnh hưởng nặng nề, giảm xuống dưới 8 triệu tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Hoạt động mua than và nguyên liệu thô cũng chậm so với kế hoạch của năm ngoái.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu máy bay của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 25.000 thùng/ngày so với một năm trước đó, tức giảm 3,5%, trong khi dự báo trước đây của tổ chức này là tăng trưởng 10.000 thùng mỗi ngày.
Số chuyến bay hàng ngày ở Trung Quốc, tính trung bình trong bảy ngày qua đã giảm xuống dưới mức thấp nhất được thấy kể từ năm 2020, với ít hơn 2.700 chuyến bay hoạt động vào 12/4, theo Airportia - một công cụ theo dõi chuyến bay theo thời gian thực.
Một bài đăng trên WeChat của Đường sắt Trung Quốc thì cho biết, số lượng chuyến tàu chở khách còn khoảng 3.000 chuyến mỗi ngày, chỉ bằng 30% so với mức bình thường. Đây chính là lý do quan trọng khiến giá dầu thô trên thị trường thế giới hạ nhiệt trong những ngày qua.
Các nhà sản xuất kim loại trong nước của Trung Quốc đang phải đối mặt với những trở ngại trong việc vận chuyển nguyên liệu thô và thành phẩm, dẫn đến việc cắt giảm sản lượng. 6 trong số 12 nhà máy sản xuất thanh đồng ở các tỉnh lân cận của Thượng Hải đã tạm dừng hoặc có kế hoạch ngừng sản xuất.
Theo dữ liệu vận chuyển, nhập khẩu trong quý đầu tiên giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái và các công ty tư nhân đang từ chối đề nghị sử dụng các vị trí từng rất được thèm muốn tại các nhà ga tiếp nhận thuộc sở hữu nhà nước, đồng thời dự đoán lượng nhôm tồn kho sẽ tăng lên.
Việc chốt chặn trên toàn thành phố Thượng Hải đã tạo ra tình trạng tắc nghẽn tại cảng lớn nhất thế giới, với hàng loạt tàu thuyền đóng ở đó và tại điểm dừng khác xử lý các chuyến hàng bị chuyển hướng. Theo dữ liệu vận chuyển của Bloomberg, số lượng tàu container chờ đợi ở ngoài khơi Thượng Hải tính đến ngày 11/4/2022 cao hơn 15% so với 1 tháng trước đó.
Tình trạng thiếu công nhân ở cảng Thượng Hải đang làm chậm việc cung cấp tài liệu cần thiết cho tàu dỡ hàng. Trong khi đó, các tàu chở kim loại như đồng và quặng sắt bị mắc kẹt ngoài khơi do xe tải không thể gửi hàng từ cảng đến nhà máy chế biến.
Dữ liệu cũng cho thấy việc đóng cửa có tác động đáng kể đến nhập khẩu, vốn đã giảm 0,1% so với cùng kỳ vào tháng 3, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 8 năm 2020 và thấp hơn nhiều so với mức dự báo trung bình là tăng 8,4%.
Ngược lại, dữ liệu của Hải quan Trung Quốc công bố hôm 13/4 cho thấy, xuất khẩu tháng 3 tăng 14,7%, cao hơn mức dự báo 12,8%, nhưng chậm hơn mức tăng 16,3% trong hai tháng đầu năm.