Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn, tương đương giá trị 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức giảm khá mạnh trong thời gian qua.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng chỉ ở mức 435,6 USD một tấn, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là lượng gạo tồn kho trên thế giới lớn, trong khi đó gạo đến từ các thị trường cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ được bán ở mức giá hấp dẫn.
Hiện, Philippines dẫn đầu về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,1% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Senegal (gấp 297 lần), Bờ Biển Ngà (tăng 81,8%), Australia, Hong Kong... tăng quanh mức 30-70%.
Trước đó, đầu tháng 9, Bộ Nông nghiệp Philippines đã khởi xướng điều tra sơ bộ việc tự vệ đối với gạo nhập khẩu.
Tuy nhiên đến tháng 10/2019, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương Philippines) đã thông báo nước này sẽ không áp thuế nhập khẩu gạo bổ sung đối với gạo nhập khẩu.
Nguyên nhân chính là hiện không có các thông tin, số liệu cụ thể đánh giá được mức độ tác động của việc nhập khẩu gạo cũng như tính hiệu quả của biện pháp tăng thuế đối với sự phát triển của ngành gạo Philippines.
Trên thực tế, việc nhập khẩu gạo khiến cho giá lúa sụt giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người nông dân, nhưng không phải tất cả vùng trồng lúa của Philippines đều xảy ra hiện tượng giảm giá như trên.
Thông báo này là tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này.
Bên cạnh đó, chính phủ Philippines cũng đã đưa ra dự báo về nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của nước này đến năm 2030 với mức tăng dần đều, cụ thể đạt 14,5 triệu tấn vào năm 2022 (tăng 4,3% so với năm 2019), 15,2 triệu tấn vào năm 2026 (tăng 9,4%) và 16,0 triệu tấn vào năm 2030 (tăng 15,1%).