Giá gạo tăng cao gây áp lực lạm phát ở châu Á

Giá gạo tăng cao gây áp lực lạm phát ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát tiếp tục gia tăng ở nhiều nước châu Á phần lớn là do giá gạo và các mặt hàng thực phẩm khác tăng cao. Giá lương thực tăng là nguyên nhân gây ra lạm phát ở Philippines và Ấn Độ.

Giá gạo đã tăng vọt do vụ thu hoạch kém vì ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Giá gạo khó có thể giảm sớm vì nhiều nhà xuất khẩu gạo không muốn xuất khẩu gạo ra nước ngoài để ưu tiên cho nhu cầu trong nước. Do đó, đang có những mối lo ngại về khả năng tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực như vào cuối những năm 2000.

Lạm phát đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại ở một số nước châu Á nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vào tháng 11, Philippines có lạm phát 4,1%, so với 3,1% ở Mỹ và 2,4% ở khu vực đồng euro. Gần 1/3 lạm phát ở Philippines đến từ giá gạo cao hơn.

Giá lúa mì và ngô đã tăng vọt trên toàn thế giới vào năm 2022 sau xung đột Nga-Ukraine diễn ra - Ukraine được xem là vựa lúa mì của châu Âu. Dù lạm phát lương thực ảnh hưởng nặng nề đến Mỹ và châu Âu, tác động của xung đột địa chính trị tương đối hạn chế ở châu Á.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023, trung tâm lạm phát lương thực đã chuyển sang châu Á, là nơi chiếm khoảng 80% nhu cầu gạo toàn cầu. Mặc dù giá lúa mì quốc tế đã bắt đầu giảm, nhưng giá gạo lại tăng lên mức cao nhất trong 15 năm vào cuối tháng 12/2023, tăng khoảng 40% so với tháng 1.

Diễn biến giá gạo và lúa mì

Diễn biến giá gạo và lúa mì

Giá cao hơn phần lớn là do ảnh hưởng của El Nino - hiện tượng nóng lên của nhiệt độ bề mặt đại dương ở phía Đông và trung tâm Thái Bình Dương. Hiện tượng thời tiết này xuất hiện vào mùa Xuân đã mang đến những đợt khô hạn ở Nam Á và Đông Nam Á, gây tàn phá mùa màng.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo toàn cầu đạt tổng cộng 510 triệu tấn trong năm thu hoạch 2022-2023. Giá gạo quốc tế có xu hướng biến động mạnh do sản lượng xuất khẩu chỉ ở mức khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Những biến động như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia không thể tự đáp ứng nhu cầu trong nước và phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Thị trường gạo toàn cầu đã bị giáng một đòn mới vào tháng 7 khi Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% xuất khẩu gạo toàn cầu, cấm xuất khẩu gạo trắng, ngoại trừ gạo basmati.

Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang muốn ưu tiên nguồn cung trong nước trước cuộc tổng tuyển cử quốc gia vào năm 2024. Lạm phát của Ấn Độ vẫn ở mức cao 5,6% trong tháng 11, với giá thực phẩm tăng 3,7%, chiếm 70% mức tăng chung.

Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết, Indonesia có thể làm điều tương tự vì nước này sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. “Mong muốn tăng cường an ninh lương thực, Jakarta có thể chuyển sang ưu tiên nguồn cung trong nước, khiến giá ngũ cốc quốc tế tăng cao”, ông cho biết.

Thế giới đang có nguy cơ rơi vào một vòng xoáy tiêu cực, trong đó những lo ngại về an ninh lương thực tăng cao do thời tiết bất thường gia tăng, khiến các nước sản xuất gạo phải tích trữ, làm trầm trọng thêm lo ngại về nguồn cung.

Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC cho biết: “Ký ức về cuộc khủng hoảng giá thực phẩm ở châu Á năm 2008 vẫn còn in sâu”.

Giá thực phẩm tăng vọt trên toàn thế giới cách đây 15 năm do dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), nhiều loại thực phẩm hiện đang có biến động giá thậm chí còn mạnh hơn, với sự biến động mạnh xảy ra ở 7 trong số 8 loại cây trồng chủ lực vào năm 2023.

Lạm phát lương thực ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở Nam Á và Đông Nam Á, là nơi thực phẩm chiếm 30% đến 50% tổng chi tiêu hộ gia đình, so với khoảng 10% đến 20% ở các nền kinh tế phát triển. Giá lương thực cao hơn cũng ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ. Đối mặt với lạm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Philippines đã tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản lên 6,5% tại cuộc họp khẩn cấp vào cuối tháng 10.

Tuy nhiên, lạm phát đang giảm dần trên toàn thế giới. Có nhiều kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chuyển sang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2024, làm dấy lên kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm.

Mặc dù vậy, nhiều nước châu Á vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Với lạm phát lương thực vẫn đang âm ỉ, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực tiếp tục phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là cân bằng giữa kiểm soát giá cả và tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan