Công nhân bốc dỡ gạo tại cảng Kakinada Anchorage của Ấn Độ. (Nguồn: Reuters).
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất hai tháng trong tuần này, do nhu cầu giảm và đồng rupee suy yếu, trong khi giá gạo của Thái Lan tăng nhẹ.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - giao dịch ở mức 370- 375 USD/tấn, giảm từ mức 375-384 USD/tấn của tuần trước, trong bối cảnh đồng rupee lao dốc, làm tăng lợi nhuận của các nhà giao dịch từ việc xuất khẩu.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại thành phố Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, cho biết nhu cầu từ người mua châu Phi đang giảm dần trong bối cảnh nguồn cung từ vụ mùa mới tăng lên.
Tuy nhiên, lượng mưa lớn ở Ấn Độ đã làm hư hại lúa ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất gạo chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh vào đầu tháng này.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 405- 410 USD/tấn, so với mức 405 USD/tấn của tuần trước.
Các nhà giao dịch cho biết nhu cầu đã giảm xuống kể từ khi các đơn giao hàng được thực hiện. Tình hình nguồn cung vẫn ổn định vì mực nước giảm nhẹ không ảnh hưởng đến sản xuất và thiệt hại do lũ lụt còn hạn chế.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam gần như không đổi so với tuần trước, ở mức 425-430 USD/tấn.
Các thương nhân cho biết giá gạo trong nước đang tăng do nguồn cung khan hiếm, trong khi các nhà xuất khẩu đang tăng cường thu mua từ nông dân để hoàn thành hợp đồng xuất khẩu.
Thị trường nông sản Mỹ
Trong phiên giao dịch 4/11, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) đồng loạt đi lên, dẫn đầu là giá đậu tương.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 1,75 xu Mỹ (0,26%), lên 6,81 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 cũng tăng 7,25 xu Mỹ (0,86%) lên 8,4775 USD/bushel.
Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 1/2023 tăng 25,25 xu Mỹ (1,76%) lên 14,6225 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá đậu tương giao kỳ hạn tăng mạnh do giá đậu tương tiếp tục thiết lập mức cao mới trong giữa bối cảnh giá dầu thô của Mỹ "leo thang."
Đồng USD giảm mạnh đã thúc đẩy sự phục hồi của thị trường nông sản. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng ngô và lúa mỳ kỳ hạn được định giá quá cao dựa trên các biện pháp tính toán về dự trữ/tiêu thụ.
Nga đang đề xuất ngân hàng nhà nước Rosselkhosbank được miễn các lệnh trừng phạt kinh tế của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để tạo điều kiện cho xuất khẩu ngũ cốc của Nga.
Điều này sẽ giữ cho hành lang xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine luôn rộng mở. Liên hợp quốc đang cố gắng làm dịu tình hình lạm phát lương thực và duy trì xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, giá lúa mỳ thế giới đã tăng 3,2% trong tháng 10/2022.
Thời tiết mát mẻ và khô ráo được dự báo cho hầu hết các khu vực trồng trọt của Brazil và Argentina trong 5-6 ngày nữa. Mưa rào và nhiệt độ ấm lên sau đó dự kiến sẽ hỗ trợ mùa màng.
Thị trường càphê thế giới
Trên thị trường thế giới, giá càphê phục hồi sau khi giảm trong các phiên trước đó. Theo đó, giá càphê Robusta tại London giao tháng 1/2023 được giao dịch ở mức 1.876 USD/tấn, sau khi tăng 1,85%.
Giá càphê Arabica giao tháng 12/2022 giao ngay tháng 12 tại thị trường New York tăng 3,55 xu, lên175,75 xu/lb. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình. (1lb = 0,4535 kg).
Giá càphê hai sàn đảo chiều tăng khi USD giảm mạnh trở lại sau báo cáo việc làm tháng 10 của Bộ Lao Động Mỹ cao hơn mức dự kiến, đạt 261.000 việc làm.
Đây là con số rất được sự quan tâm chờ đợi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc điều hành chính sách tiền tệ kỳ tới. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại đã mang lại sự tích cực cho thị trường hàng hóa nói chung.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN). |
Dự báo giá càphê thế giới sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Số liệu công bố cho thấy, GDP của Mỹ quý III/2022 tăng 2,6% so với quý trước. Điều này sẽ góp phần giúp Fed mạnh tay trong việc nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tới.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.
Lãi suất tăng cao, sức tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung dồi dào khi nhiều nước sản xuất càphê chính bước vào kỳ thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ 2022-2023.
Trong 7 tháng kể từ đầu năm 2022, nhập khẩu càphê của hầu hết các thị trường lớn đều tăng. Nhờ vậy, ngành càphê Việt Nam cũng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến nay, thị trường càphê toàn cầu đối mặt với khó khăn, giá giảm xuống mức thấp, nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Nhiều khả năng các tháng cuối của năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường càphê toàn cầu vẫn đối mặt với khó khăn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng càphê toàn cầu niên vụ 2022-2023 tăng 7,8 triệu bao (tương đương mức tăng 4,7%) so với niên vụ 2021-2022, chủ yếu do vụ mùa Arabica của Brazil bước vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ "hai năm một."
Nhu cầu tiêu thụ càphê toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 167 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Brazil. Xuất khẩu càphê toàn cầu dự báo tăng 1 triệu bao, lên 141,5 triệu bao nhờ xuất khẩu của Brazil và Indonesia cao hơn.