Lý do bảo vệ người trồng mía chưa thuyết phục để ngành đường kêu gọi bảo hộ

Lý do bảo vệ người trồng mía chưa thuyết phục để ngành đường kêu gọi bảo hộ

Giá đường trong nước đang bất hợp lý

(ĐTCK-online) Hết kiến nghị bỏ hạn mức nhập khẩu đường lại đến việc xin miễn thuế VAT để đảm bảo tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành đường, có vẻ như quyền lợi của người tiêu dùng trong nước khó lòng được đảm bảo khi các doanh nghiệp chỉ sẵn sàng theo cơ chế thị trường khi… có lợi.

Trong khi giá đường bán buôn trong nước khoảng 18.000 đồng/kg, thì trên thế giới, đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/5, giá đường giao dịch giao tháng 8 là 612,9 USD/tấn, tương đương chưa đến 12.900 đồng/kg, tức chỉ bằng 71,67% giá trong nước. Theo lẽ thông thường, việc Bộ Công thương cho phép nhập khẩu đường (hạn ngạch được thông qua cuối tháng 4 là 250.000 tấn, bằng 1/4 lượng đường tiêu thụ mỗi năm) sẽ là liều thuốc hữu hiệu giúp cân bằng giá trong nước so với thị trường quốc tế. Nhưng điều này lại vấp lại sự phản ứng của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, với quan điểm cho rằng, điều này không góp phần bảo vệ doanh nghiệp và người dân trồng mía trong nước. Không dừng lại ở đó, Hiệp hội lại tiếp tục kiến nghị điều chỉnh thuế suất VAT ngành đường về 0% thay vì 5% để tăng khả năng cạnh tranh cho đường nội địa.

Đứng ở góc độ bảo vệ người nông dân, việc duy trì giá đường cao, bảo vệ ngành đường khỏi sự cạnh tranh gay gắt từ thế giới có thể góp phần hỗ trợ người dân trồng mía cũng như các doanh nghiệp vì giá giảm. Điều này càng hợp lý hơn khi lãi suất ngân hàng tăng cao, giá đầu vào biến động.

Nhưng đó là ở khía cạnh tích cực và chỉ là một phần của vấn đề. Nhìn ở chiều ngược lại, việc làm thiếu cơ chế thị trường này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích người tiêu dùng và giảm sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh, tự đổi mới mình của các doanh nghiệp trong ngành. Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch mỗi năm khoảng 250.000 tấn, tương đương khoảng 1/4 lượng tiêu thụ trong nước. Cũng giống như câu chuyện giá xăng, khi xuất hiện sự chênh lệch (đủ lớn) giữa giá trong nước và quốc tế, tất yếu sẽ có nhu cầu xuất/nhập khẩu lậu để hưởng lợi, nếu các Nhà nước không cho giao dịch chính thống. Và việc “ngăn sông, cấm chợ” nếu đề nghị của các doanh nghiệp ngành đường được chấp thuận,  đương nhiên sẽ gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng trong nước và thất thu thuế.

Trở lại giai đoạn năm 2010, khi giá đường thế giới liên tục leo cao, giá đường trong nước cũng tăng theo tương ứng và không hề thấy bất kỳ động thái nào của Hiệp hội Mía đường cũng như các doanh nghiệp trong việc đứng ra hỗ trợ người tiêu dùng trong nước. Hơn một năm trước, giai đoạn tháng 4/2010, khi giá đường thế giới đã giảm tới 41% so với đỉnh năm 2009, giá đường trong nước được duy trì cao hơn so với thế giới tới 4.000 - 5.000 đồng/kg. Kèm theo đó là hiện tượng thiếu hàng trên thị trường đường, nhưng thống kê sau đó cho thấy, doanh nghiệp trong ngành lúc đó có lượng đường dự trữ tới hơn 10.000 tấn trong tổng số 60.000 tấn mùa vụ năm 2009. Và dù vẫn kêu khó, nhưng theo báo cáo kết quả kinh doanh cuối năm, năm 2010 là mùa vụ bội thu của các doanh nghiệp ngành này với con số lợi nhuận tăng cao đột biến.

Năm nay, tổng dự trữ đường theo thống kê của Hiệp hội Mía đường khoảng 685.000 tấn, chưa kể sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Và giá đường trong nước tiếp tục chênh lệch lớn giữa trong nước và quốc tế, doanh nghiệp ngành đường vẫn kêu “khó”, trong khi lợi nhuận quý I của một số doanh nghiệp ngành đường đã niêm yết tiếp tục tăng 20% đến thậm chí 40% so với cùng kỳ năm 2010.

Bảo vệ ngành đường là góp phần bảo vệ người trồng mía, nhưng “hy sinh” cả nguồn thu thuế từ nhập khẩu đường chính ngạch, từ thuế VAT, hy sinh luôn cả thị trường đường cạnh tranh lành mạnh và lợi ích người tiêu dùng cả nước để bảo vệ các doanh nghiệp ngành đường, thì có vẻ bài toán này chưa đưa ra được lời giải hợp lý. Để bảo vệ người trồng mía, Nhà nước có lẽ nên hỗ trợ thẳng tới người dân, từ vốn vay đến các cơ chế hỗ trợ gián tiếp khác, thay vì chấp thuận một cơ chế hỗ trợ phi thị trường như đề nghị của các doanh nghiệp. Vì trên thực tế, không thể thống kê cụ thể, trong phần lợi ích mà Nhà nước và người tiêu dùng phải hy sinh, bao nhiêu phần trăm về đến tay người trồng mía???