Giá đường được dự báo tăng vọt sau động thái mới của Thái Lan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Triển vọng mía đường của Thái Lan đang xấu đi khi các nhà máy tinh luyện của nước này đang phải đối phó với những tác động của các quy định xuất khẩu mới được công bố trong tuần này.
Giá đường được dự báo tăng vọt sau động thái mới của Thái Lan

Theo Hiệp hội ngành công nghiệp mía đường Thái Lan (Thai Sugar Millers Corp), sản lượng đường có thể giảm xuống 7-8 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024 từ mức 11 triệu tấn trong vụ trước. Điều này đồng nghĩa với xuất khẩu có thể giảm xuống 4-5 triệu tấn vào năm tới từ mức 7 triệu dự kiến vào năm 2023.

Triển vọng mía đường đã trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu tháng 9 khi Hiệp hội ước tính sản lượng niên độ 2023-2024 vào khoảng 9 triệu tấn và xuất khẩu 6 triệu tấn vào năm tới so với 8 triệu tấn dự báo ban đầu cho năm 2023. Hạn hán đã tàn phá các đồn điền và làm giảm lượng mía sẵn có để sản xuất đường. Thái Lan là một trong ba nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới.

Sự sụt giảm sản lượng ở Thái Lan sẽ tiếp tục thắt chặt nguồn cung toàn cầu và góp phần hỗ trợ hợp đồng tương lai giá đường vốn đã gần mức cao nhất trong 12 năm sau khi Ấn Độ cho biết vào tháng trước rằng sẽ hạn chế xuất khẩu đường ra nước ngoài kể từ tháng 11.

Hợp đồng tương lai giá đường

Hợp đồng tương lai giá đường

Mặt khác, khu vực miền Trung-Nam của nước xuất khẩu hàng đầu Brazil có thể có sản lượng đường kỷ lục trong năm nay và thậm chí còn cao hơn vào năm tới, nhưng tình trạng tắc nghẽn đang làm trì hoãn các chuyến hàng.

Trong khi đó, ngành mía đường cũng cần phải đối mặt với hậu quả của quyết định của chính phủ hôm thứ Ba (31/10) về việc đưa mặt hàng đường vào danh sách hàng hóa được kiểm soát, một động thái nhằm đảm bảo nguồn cung chất ngọt trong nước và kiểm soát lạm phát. Việc bổ sung vào danh sách kiểm soát có hiệu lực trong một năm.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Thương mại Napintorn Srisunpang cho biết, nội các của Thủ tướng Srettha Thavisin đã phê duyệt việc phân loại đường là mặt hàng được kiểm soát vào thứ Ba (31/10). Giống như các hàng hóa bị kiểm soát khác, điều này có nghĩa là mọi thay đổi về giá bán lẻ hoặc xuất khẩu từ 1 tấn đường trở lên trước tiên sẽ phải được cơ quan quản lý thông qua.

Rangsit Hiangrat, Giám đốc Hiệp hội ngành công nghiệp mía đường Thái Lan cho biết, động thái này có thể gây ra sự chậm trễ trong việc thực hiện các hợp đồng giao hàng đối với đường đã được bán trên thị trường tương lai.

“Xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng và ngành công nghiệp sẽ bị tổn thương, bao gồm cả các nhà tinh luyện và nông dân trồng mía, miễn là chính phủ chậm giải quyết những bất ổn. Nếu việc xuất khẩu đường trở nên khó khăn hơn, nó sẽ làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu và các hợp đồng tương lai mà chúng tôi đã cam kết”, ông cho biết.

Tin bài liên quan