Giá đồng hạ nhiệt khi hoạt động sản xuất chậm lại

Giá đồng hạ nhiệt khi hoạt động sản xuất chậm lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang ảnh hưởng đến đồng khi hoạt động của nhà máy chậm lại.

Là thước đo đáng tin cậy về sức khỏe kinh tế, đồng đang nhanh chóng trở thành một dấu hiệu cảnh báo đà hồi phục kinh tế sẽ chậm lại khi các nhà phân tích lo ngại rằng, chi phí khí đốt tự nhiên và điện tăng cao khiến thị trường đồng lao đao.

Tuy nhiên, giá năng lượng không phải là yếu tố quan trọng duy nhất đối với đồng - một kim loại cần thiết cho các nhà chế tạo, nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất thiết bị điện tử. Nguy cơ sụp đổ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, kết hợp với mối đe dọa kinh tế đang diễn ra do biến thể delta đang khiến các nhà đầu tư dự báo giá đồng sẽ điều chỉnh, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Jay Tatum, Giám đốc danh mục đầu tư của Valent Asset Management cho biết: “Trong ngắn hạn, có một số khó khăn chủ yếu là do lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng một khi thế giới quay trở lại tốc độ tăng trưởng bình thường, trải đều trên toàn nền kinh tế, chúng tôi vẫn cho rằng các kim loại như đồng sẽ tăng mạnh mẽ”.

Giá đồng đã tăng mạnh lên trên 10.700 USD/tấn vào tháng 5/2021 và nhiều nhà đầu tư, cũng như ngân hàng đặt cược rằng, giá kim loại này sẽ còn tăng hơn nữa với giả thuyết rằng sự bùng nổ sản xuất sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch dài hạn cho xe điện và năng lượng tái tạo. Bank of America cho biết, giá đồng có thể lên 20.000 USD/tấn nếu các vấn đề lớn từ phía cung xuất hiện đồng thời.

Tuy nhiên, giá đồng đã giảm xuống khoảng 9.300 USD/tấn khi cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như vấn đề nợ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, cùng biến thể delta lây lan trên toàn cầu. Citigroup hiện cảnh báo, giá đồng có thể giảm thêm 10% nữa với nhu cầu giảm trong 3 tháng tới.

Hôm thứ Sáu (8/10), Trung Quốc cho biết, sẽ cho phép tăng giá điện 20% đối với các công ty sử dụng nhiều năng lượng và hầu hết các tỉnh của nước này đang hạn chế sử dụng điện. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 9 đã thu hẹp lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Tại châu Âu, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất đã giảm vào tháng 9 với biên độ lớn nhất kể từ tháng 4/2020.

Trong khi đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (ISM) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ lại mở rộng vào tháng 9 với tốc độ nhanh nhất trong 4 tháng, trong đó 17 ngành công nghiệp báo cáo tăng trưởng. Quốc hội Mỹ cũng đang tranh luận về chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Joe Biden trong đó dành hơn 1.000 tỷ USD chi tiêu trong nước.

Trafigura Group, nhà kinh doanh đồng lớn nhất thế giới kỳ vọng giá dầu sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu tăng và thế giới ngày càng cạn kiệt hàng tồn kho.

Kostas Bintas, người đứng đầu bộ phận giao dịch đồng của Trafigura Group cho biết: “Nếu nhìn vào tốc độ hàng tồn kho trên toàn cầu đang giảm dần thì rõ ràng thị trường đang phải đối mặt với sự thắt chặt đáng kể. Đó là bức tranh vi mô mà chúng tôi dự báo đúng vào lần trước và chính bức tranh vi mô mang lại cho chúng tôi sự tự tin bây giờ”.

Một số nhà giao dịch nhấn mạnh rằng ảnh hưởng ngắn hạn của cuộc khủng hoảng năng lượng có thể là một cú hích trong tương lai nếu điều đó khuyến khích các chính trị gia và doanh nghiệp đầu tư vào các hệ thống năng lượng tái tạo mà sẽ cần một lượng đồng khổng lồ. Hầu hết các quốc gia đã đưa ra kế hoạch đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 trong những thập kỷ tới.

Tin bài liên quan