Giả điều tra viên, hù dọa qua điện thoại lừa tiền tỷ

Giả điều tra viên, hù dọa qua điện thoại lừa tiền tỷ

(ĐTCK) Nhóm đối tượng đã sắp đặt công phu để giả mạo điều tra viên, kiểm sát viên lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng

Vừa qua, TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Hoàng Văn Duy (SN 1992), Lâm Văn Nhu (SN 1995), Dương Văn Tuyền (SN 1992), Lăng Văn Nhót (SN 1990) và Nông Văn Toàn (SN 1994) cùng ở Phục Hòa, Cao Bằng ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, năm 2012, Nông Văn Toàn lên khu vực biên giới giáp Trung Quốc làm thuê. Tại đây, anh ta quen biết với đối tượng người Trung Quốc tên là Cờ. Đến tháng 4/2016, Cờ rủ Toàn xuống Hà Nội mở tài khoản ATM ở các ngân hàng để rút tiền có được từ việc lừa đảo người dân Việt Nam.

Thấy Cờ trả mình 600.000 đồng/ngày, Toàn đã nhận lời.

Toàn còn rủ thêm bạn là Hoàng Văn Duy và những thanh niên quen biết khác, cùng quê xuống Hà Nội mở tài khoản rút tiền cho Cờ. Sau này, sợ bị lộ, Nông Văn Toàn “rút lui”, Hoàng Văn Duy trực tiếp liên hệ với đối tượng Cờ và rủ thêm Lâm Văn Nhu, Dương Văn Tuyền, Lăng Văn Nhót và Vũ Tiến Cường đi mở tài khoản ngân hàng, rút tiền cho người Trung Quốc.

Các bị cáo khác đã sử dụng chứng minh thư nhân dân và số điện thoại của mình để mở tài khoản tại một số ngân hàng như Sacombank, SHB, ACB, Vietcombank, Techcombank, Agribank... 

Nhóm bị cáo đã nhiều đợt rút tiền từ các tài khoản ngân hàng nói trên qua máy ATM. Đợt đầu tiên, Nông Văn Toàn rút được 570 triệu đồng (bao gồm Agribank 300 triệu đồng Techcombank 99 triệu đồng, Vietcombank 171 triệu đồng), chưa xác định được người bị hại.

Tháng 5/2016, nhóm đối tượng rút tiền từ nhiều tài khoản ngân hàng bao gồm Sacombank (630 triệu đồng); BIDV (100 triệu đồng); Vietcombank (400 triệu đồng); Agribank (200 triệu đồng)...

Cơ quan chức năng xác định, từ 9/5/2016 đến 2/6/2016, Nông Văn Toàn, Lăng Văn Nhót, Lâm Văn Nhu, Dương Văn Tuyền theo sự chỉ đạo của đối tượng người Trung Quốc đã rút được nhiều tỷ đồng trong tài khoản mở tại BIDV, Vietcombank, SHB, Sacombank… của nhiều bị hại. Một số trường hợp, cơ quan điều tra xác định được số tiền các bị cáo rút ra từ các tài khoản ngân hàng nhưng không xác định được bị hại.

Đến nay, xác định được 4 trường hợp bị hại, trong đó có ông Nguyễn Hùng Mạnh (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Tài liệu điều tra thể hiện, khi đang ở nhà một mình, ông Mạnh thấy điện thoại bàn đổ chuông nên nghe. Qua điện thoại, ông Mạnh thấy có giọng người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên bưu điện. Người này nói ông đang nợ cước phí điện thoại máy bàn số tiền xấp xỉ 9 triệu đồng đồng và còn đăng ký một số máy ở Móng Cái (Quảng Ninh) nên nợ số tiền trên. Nghe vậy, ông Mạnh khẳng định không nợ cước bởi tháng nào ông thanh toán tháng đó.

Thấy ông Mạnh thắc mắc, người phụ nữ đó hướng dẫn ông bấm phím 0 thì được nối máy với một người khác. Người này cho biết ông đã bị một người mạo danh. Sau đó, người thứ 2 này trực tiếp nối máy cho ông Mạnh nói chuyện với cơ quan điều tra công an tỉnh Quảng Ninh.

Người đàn ông ở lần nối máy thứ 3 tự xưng là công an nói rằng giấy tờ của ông Mạnh đã bị giả mạo, có liên quan tới đối tượng tên Nguyễn Quang Dũng ở Ba Đình (Hà Nội) – đang bị điều tra về tội buôn bán ma túy và làm giả giấy tờ. Theo lời người này, ông Mạnh đang nằm trong diện đối tượng liên quan cần phải điều tra qua điện thoại.

Sau đó, người này tiếp tục nối máy cho ông Mạnh nói chuyện với người của Viện kiểm sát. Người phụ nữ này giới thiêu đang làm việc tại Viện kiểm sát, nói ông Mạnh liên quan đến đối tượng tên Nguyễn Quang Dũng. Dũng đã bị bắt và khai rằng mở tài khoản mang tên ông Mạnh tại ngân hàng ACB với số tiền 850 triệu đồng.

Để phục vụ cho điều tra, tài khoản của ông Mạnh sẽ bị đóng 2 tháng. Muốn không bị mất tiền và phong tỏa, ông Mạnh phải chuyển vào tài khoản của công an để công an giữ hộ. Người này đã cho ông Mạnh số tài khoản.

Tưởng thật, ông Mạnh đã đến Ngân hàng Vietcombank chuyển 700 triệu đồng vào tài khoản mang tên Dương Văn Tuyền mở tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội. Sau khi ông Mạnh chuyển, Tuyền thấy điện thoại báo tin nhắn có tiền nên đã báo Duy biết. Sau đó, Duy bảo Tuyền và Nhót đến ngân hàng rút tiền.

Với thủ đoạn trên, Cờ và đồng bọn đã lừa đảo được hàng tỷ đồng của nhiều người dân Việt Nam. Trong đó, Duy và đồng phạm đã giúp sức bằng cách rút tiền thuê, sau đó chuyển cho Cờ chiếm đoạt số tiền trên.

Với hành vi này, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt Duy và Nhót 14 năm, Nhu và Tuyền 13 năm, Toàn 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tin bài liên quan